Ngay từ cuối năm 2022, Hội LHPN xã Xà Phiên đã có nhiều hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án 8. Trong đó, Hội ra mắt 2 Tổ truyền thông cộng đồng tại ấp 4 và ấp 5, mỗi Tổ có 10 thành viên là Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và các đoàn thể ấp, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đồng thời, phối hợp chính quyền ấp 4 ra mắt “Địa chỉ an toàn ở cộng đồng” làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực gia đình; phối hợp Trường THCS Xà Phiên ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với sự tham gia của 15 thành viên.
Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Xà Phiên cho biết: “Chúng tôi thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các Tổ có nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái để kịp thời phản ánh với Tổ để có giải pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời”.
Theo bà Đoàn Thị Tuyết Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Mỹ: “Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo 2 xã Xà Phiên, Lương Nghĩa ra mắt và duy trì hiệu quả 6 Tổ truyền thông cộng đồng; xây dựng clip, tài liệu, hình ảnh, tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền được thuận tiện, hiệu quả hơn. Đến nay, địa phương đã tuyên truyền trong cộng đồng được 39 cuộc/975 người tham dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ các hủ tục mê tín, giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới...
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang tập huấn lồng ghép giới và hướng dẫn thành lập mô hình truyền thông cộng đồng; phối hợp phát động Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông có chủ đề: “Gia đình hạnh phúc”, “Lắng nghe con nói” với hơn 1.000 sản phẩm tham gia của trẻ em. Tổ chức tập huấn triển khai Dự án 8, rà soát, khảo sát đánh giá nhu cầu và tiến hành ra mắt 2 “Địa chỉ an toàn”. Ra mắt 2 Tổ sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kết nối thị trường...
Đồng thời chủ động lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án của địa phương, đơn vị và phối hợp với các ban, ngành để triển khai dự án. Điển hình như mô hình “Chị khá giúp chị nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer” của Hội LHPN xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ đã góp phần giúp chị em hội viên dân tộc Khmer phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới.
Sau hơn 2 năm triển khai, các mô hình, hoạt động của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái tại các xã đặc biệt khó khăn, nhất là đồng bào DTTS thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình...
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các hội thi, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS…”.