Hậu Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Hậu Giang chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào Khmer 24.103 người, chiếm tỷ lệ 3,3% dân số toàn tỉnh; kế đến là dân tộc Hoa, dân tộc Chăm và các dân tộc khác. Đồng bào DTTS của tỉnh đa số sống bằng nghề nông; sống xen kẽ, phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành tốt đối với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng theo các năm. Điển hình như năm 2021, tăng 3,28% (đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 39 cả nước); năm 2022, tăng 13,94% (đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 04 của nước); năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,27% (đứng thứ 2 của cả nước), thu nhập bình quân đầu người là 80,33 triệu đồng (tăng 35,33 triệu đồng so với năm 2019).
Biên độ giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình hằng năm ở mức cao, là 1,66%. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023).
Cơ sở hạ tầng của tỉnh được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% số xã trong vùng có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe Đài Phát thanh truyền hình đạt 100% (vượt 5%); tỷ lệ huy động học sinh từ mầm non đến phổ thông đạt 99,82% (vượt 1,82%); tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 98% (vượt 14,19%).
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phê duyệt 49 ấp đặc biệt khó khăn, 32 xã thuộc ba khu vực vùng DTTS (trong đó có 4 xã khu vực III,14 xã khu vực II, 14 xã khu vực I). Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021-2025, vùng DTTS của tỉnh đã giảm còn 2 xã khu vực III (tương ứng giảm 50%) và giảm 43 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III (tương ứng giảm 87,75%).
Trong các năm từ 2022-2024, tỉnh Hậu Giang được phân bổ 110.212 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Địa phương đã thực hiện 9/10 dự án và các tiểu dự án. Đến ngày 16/9/2024, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 43 căn nhà ở (trong đó có 23 hộ DTTS), chuyển đổi nghề cho 41 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ; xây dựng 3 công trình nước tập trung, hỗ trợ 36 hộ chăn nuôi bò, xây dựng 08 công trình đường giao thông nông thôn…
Hiện tại, Hậu Giang đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 huyện/thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh đang sở hữu 266 sản phẩm OCOP, trong đó: có 92 sản phẩm OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Bà Trần Ngọc Đào, Người có uy tín dân tộc Hoa, Bí thư Chi bộ ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trong tỉnh. Các chính sách cho Người có uy tín được thực hiện đầy đủ. "Chúng tôi cũng được bồi dưỡng kiến thức, thông tin để kịp thời tuyên truyền, vận động cho bà con; đồng thời, truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bà con đến cơ quan Nhà nước để kịp thời giải quyết theo quy định”.
Trên cơ sở các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS ngày càng nâng cao. Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020”, đã mang lại hiệu quả tích cực. Các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS như: Óc Om Bóc, Sen Đolta, Lễ dâng y, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây; Tết Nguyên tiêu, lễ vía Quan Công, lễ vía bà Thiên Hậu của đồng bào dân tộc Hoa... được duy trì và tổ chức tốt.
Tỉnh đang có 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 4 chùa của đồng bào dân tộc Hoa. Các nghi thức thực hành trong các cơ sở tín ngưỡng đình, chùa, miếu được bảo tồn nguyên trạng, vừa đảm bảo tính tôn nghiêm vừa mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống của dân tộc.
Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước các cấp trong tỉnh hoạt động đi vào nề nếp, đúng Điều lệ, tôn chỉ mục đích; tích cực tham gia cùng chính quyền trong vận động chư tăng, phật tử tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trong cộng đồng.
Đồng thời, phát huy tốt việc xây dựng chùa vừa là nơi tu học, hành đạo, vừa là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội theo phong tục tập quán, vừa là nơi phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các chư tăng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết: Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS của tỉnh tiếp tục chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với các chính sách do ngành công tác dân tộc quản lý, thì tỉnh đã lồng ghép, vận dụng hiệu quả các chính sách triển khai ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang trong những năm tiếp theo.