Đại hội có sự tham dự của: Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang; ông Lê Thanh Việt - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang; ông Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; ông Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đại Hội; đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn; đại diện Ban Dân tộc các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang…
Tham dự Đại hội còn có Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang; Hòa thượng Danh Lân - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang và các vị chức sắc, tín đồ tôn giáo.
Đặc biệt, là sự góp mặt của 250 đại biểu chính thức là các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho 261.134 đồng bào DTTS tỉnh Kiên Giang có nhiều đóng góp đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc và xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Báo cáo chính trị tại Đại hội cho thấy, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ III, năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong tỉnh không ngừng được nâng cao.
Các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện nghiêm túc; nguồn lực đầu tư hỗ trợ của các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.
Kết quả đạt được từ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc và đặc biệt là 3 Chương trình MTQG cho thấy, đời sống của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, từ 4,70% (năm 2019) giảm còn 2,40%. Hiện nay có 100% số xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm; trên 90% ấp đặc biệt khó khăn có đường giao thông; 100% xã đặc biệt khó khăn có điện lưới đến trung tâm, gần 99% hộ được sử dụng điện; 98,7% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 100% xã đã phủ sóng phát thanh - truyền hình, 89,3% tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98,6% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% xã vùng DTTS có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Chất lượng giáo dục vùng DTTS được nâng lên; quy mô trường, lớp các bậc học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng mở rộng. Các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 đặt mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn dưới 2%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; 100% xã thuộc vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới...
Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà bày tỏ vui mừng trước thành tựu trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kiên Giang. Thứ trưởng cũng khẳng định, Đại hội là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối Đại đoàn kết gắn bó “keo sơn” giữa các dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đánh giá: Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng, với 27 thành phần dân tộc, gần 290 ngàn người DTTS sinh sống ở những nơi có vị trí quan trọng không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà cả quốc phòng - an ninh.
“Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, được đồng bào hưởng ứng, nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt vùng DTTS có nhiều khởi sắc”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đánh giá.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà cũng nêu ra một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có tỉnh Kiên Giang còn chuyển biến chậm.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Kiên Giang tiếp tục quan tâm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã biên giới, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS tại chỗ và cán bộ DTTS rất ít người, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn; phát huy vai trò của Người có uy tín và mọi tầng lớp Nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Chủ động giải quyết tốt mọi mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên và phát triển.
Đối với các đại biểu và đồng bào DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà mong muốn bà con ưu tiên, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường, được vui chơi, được học hành. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, không tin, theo, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo làm phương hại đến Tổ quốc. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, dân nhạc...), đồng thời cần kiên quyết bài trừ các hủ tục, mê tín, dị đoan…
“Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, công tác dân tộc, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu để có được các chủ trương, chính sách phù hợp, đáp ứng tốt hơn mong mỏi của đồng bào DTTS, để đồng bào ta có điều kiện phát triển toàn diện và có những đóng góp xứng đáng hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại Đại hội, ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang bày tỏ tin tưởng, 250 đại biểu tiêu biểu đại diện đồng bào DTTS trong tỉnh sẽ luôn khắc cốt, ghi tâm lời dạy của Bác Hồ; mỗi đại biểu sẽ là những tấm gương sáng để người dân, cộng đồng noi theo, là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn.
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các DTTS của tỉnh sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ông Mai Văn Huỳnh cho hay.
Dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà đã thay mặt lãnh đạo UBDT tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân và trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
UBND tỉnh Kiên Giang trao tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. Tỉnh Ủy Kiên Giang cũng trao tặng Bức trướng chúc mừng Đại hội.