Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hạt “vàng” trên đỉnh núi

PV - 14:32, 06/07/2018

Như chúng tôi đã thông tin, từ cây “thuốc giấu” đến thương hiệu “triệu đô” đã giúp sâm Ngọc Linh ngày càng vươn cao. Hạt “vàng” trên đỉnh núi ấy đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng đã và đang có chiến lược để sâm Ngọc Linh thực sự là cuộc “cách mạng” trong phát triển kinh tế ở mảnh đất còn nhiều gian khó này.

Đổi đời từ sâm

Đến Nam Trà My những ngày này, đi đến đâu người ta cũng biết đến sâm, ngay cả những người già và trẻ nhỏ. Nói như ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thì sâm Ngọc Linh đã và đang được đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện để người dân nơi đây hiểu về sâm từ tấm bé. Từ khi sâm Ngọc Linh được mọi người cả trong và ngoài nước biết đến, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số giàu lên từ sâm.

Căn nhà xây khang trang có trị giá gần 1 tỷ đồng nằm ngay thị trấn là căn nhà mới của gia đình ông Hồ Văn Bông, nóc Tắc Pin, xã Trà Linh. Có tiền từ sâm, gia đình ông Bông mua nhà ngay trung tâm huyện Nam Trà My cho con có nơi ở lại theo học. Ít ai biết rằng, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển (thứ hai bên trái) trò chuyện với vợ chồng triệu phú trồng sâm trong căn nhà mới. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển (thứ hai bên trái) trò chuyện với vợ chồng triệu phú trồng sâm trong căn nhà mới.

 

Hơn chục năm trước khi ông bà cưới nhau, tài sản chỉ có mấy cái bát và một cái nồi. Cuộc sống khó khăn, ông Bông chỉ học hết lớp 5 là nghỉ học. Nay, với hàng trăm nghìn cây sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi, ông đã có trong tay trên dưới 50 tỷ đồng. “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là 4 người con đều đã và đang có điều kiện tốt nhất để theo đuổi giấc mơ đến trường học chữ. Có được cuộc sống ngày hôm nay, tôi rất vui và cảm ơn chính quyền huyện, đặc biệt là ông Chủ tịch huyện đã đánh thức thương hiệu cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là cây “thuốc giấu” của đồng bào Xơ-đăng để người dân có cơ hội đổi đời”.

Hay gia đình ông Hồ Văn Du, thôn 2, xã Trà Linh. Ở vùng Ngọc Linh, người dân vẫn gọi ông là “vua sâm”. Vườn sâm Ngọc Linh của ông Du có gần 130.000 gốc, trong đó trên 10.000 cây hơn 10 năm tuổi. Ước tính cả vườn của ông có khoảng 6,5 tấn sâm củ, tương đương 250 tỷ đồng. Còn gia đình ông Hồ Kim Lĩnh, ở thôn 3, xã Trà Linh, đang sở hữu một vườn sâm Ngọc Linh có trị giá 70 tỷ đồng…

Có thể nói, sâm Ngọc Linh đã và đang giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Xơ-đăng thực hiện khát vọng đổi đời. Hiện nay, toàn huyện có rất nhiều tỷ phú từ sâm. Trên 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tài sản từ 20 tỷ đồng cho đến trên 500 tỷ đồng nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Từ tỷ lệ hơn 82% hộ nghèo thì nay Nam Trà My giảm còn 65%; hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng chục người thành tỷ phú.

Ở huyện Nam Trà My, nếu như năm 2014 chỉ có khoảng 100 hộ trồng lác đác vài ha sâm Ngọc Linh thì đến nay đã phát triển rộng khắp trên địa bàn 7 xã, với trên 1.000 hộ, diện tích hơn 1.500ha, tốc độ phát triển là gần 900 phần trăm. Để phục vụ nhu cầu tăng cao đột biến đó, huyện Nam Trà My tiếp tục đề ra chủ trương xây dựng trung tâm nuôi cấy mô ngay tại núi Ngọc Linh, nhằm bảo tồn, nhân giống và cung cấp cho người dân. Việc này cũng như công tác bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh nói chung đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ và đã đạt được những thành tựu đáng mừng.

Cùng với sự phát triển tích cực ấy, giá trị sâm Ngọc Linh cũng tăng lên một cách ấn tượng. Nếu như cách đây vài năm, mỗi kg sâm tươi chỉ có giá khoảng 12 triệu đồng, thì nay giá thấp nhất cũng lên đến 60 triệu đồng, nghĩa là đã tăng gấp 5 lần. Theo đó, mỗi ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm trồng có thể đạt đến 70 tỷ đồng. Quan trọng hơn là từ đây rừng nguyên sinh Ngọc Linh được gìn giữ như một báu vật. Rất đơn giản, bởi không còn rừng thì không thể trồng sâm.

Mở ra những mùa vàng

Từ chỗ phát triển phân tán, lẻ tẻ trong dân, hiện, sâm Ngọc Linh đã được biết đến rộng rãi hơn cả trong và ngoài nước. Hiện, đã có 6 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, tổng diện tích theo quy hoạch lên đến hàng nghìn ha. Trong đó có những tập đoàn lớn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm Ngọc Linh. Đáng mừng hơn cả là từ đây nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, họ biết giữ rừng để trồng sâm.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức thường xuyên hàng tháng, luôn thu hút đông đảo khách hàng. Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức thường xuyên hàng tháng, luôn thu hút đông đảo khách hàng.

 

Từ đầu tháng 10/2017, UBND huyện Nam Trà My đã chính thức mở phiên chợ sâm Ngọc Linh và thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng. Ông Hồ Quang Bửu khẳng định: Sâm Ngọc Linh ở chợ sâm là thật 100%. Nếu khách mua phải hàng giả thì huyện sẵn sàng trả lại toàn bộ tiền và kiên quyết xác minh, điều tra để xử lý người buôn bán sâm giả. Bởi tất cả sâm khi mang vào chợ đều phải được kiểm định chất lượng. Các phiên chợ sâm đã khẳng định vị thế, thương hiệu của sâm; tạo môi trường buôn bán ổn định; cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sâm. Qua đó, người dân, các cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi trong sản xuất kinh doanh, đưa sâm Ngọc Linh xứng tầm với dược liệu quý hiếm trên thế giới.

Lợi ích, giá trị từ sâm rất lớn nên không tránh khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trộm cắp, sâm giả. Nhiều hộ đã đầu tư hệ thống bảo vệ vườn sâm trị giá hàng tỷ đồng. Vấn đề sâm giả cản trở sự phát triển, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao thương buôn bán của bà con vùng sâm. Vì vậy, huyện Nam Trà My luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa nâng cao ý thức người dân về trồng, buôn bán sâm Ngọc Linh được chú trọng hàng đầu. Việc thành lập các tổ tư vấn, kiểm định chất lượng sâm và khuyến cáo bà con giao thương ở chợ sâm là những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, giữ uy tín cho người dân.

Huyện Nam Trà My cũng tiếp tục đề xuất và triển khai ý tưởng hợp tác với một huyện của Hàn Quốc, nơi trồng sâm núi có giá trị cao, nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và phát triển thương hiệu sâm từ nước bạn. Qua đó, từng bước đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu có tiếng trên thế giới như giá trị đã được công nhận và biết đến nhiều hơn. Huyện cũng đã có quy hoạch 15.000ha trồng sâm, có những cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp và người dân phát triển cây sâm.

Để bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Dự án mở ra tín hiệu lạc quan cho Quảng Nam về một “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, giúp nâng tầm vị thế cho địa phương, đưa thương hiệu nhân sâm Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống và giữ gìn màu xanh quê hương…

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.