Tự xích mình để cai nghiện
Ông Đào Minh Tiến vốn là một người lính có võ nghệ và sức khỏe phi thường. Năm 1980, ông xuất ngũ trở về địa phương làm ăn. Thời đó, làm kinh tế ở quê rất khó khăn nên ông đã dẫn đầu nhóm thanh niên trong làng, gồm 34 người đi khai thác vàng ở Khau Âu (huyện Định Hóa), và trở thành trưởng bưởng (đứng đầu nhóm đào vàng) của nhóm này. Công việc đào vàng rất nguy hiểm, vất vả và cũng nhiều cám dỗ, ông Tiến dần dần lao vào con đường nghiện hút lúc nào không hay. Thấy trưởng bưởng của mình hút ma túy các đệ tử của ông cũng dần học theo, vì thế 28/34 phu vàng của thôn Thanh Cường đã bị nghiện nặng.
Năm 1997, ông dẫn đoàn phu vàng trở lại địa phương. Mặc dù tiền trong túi không phải là ít (khi đó, ông kiếm được gần 30 cây vàng), nhưng những cơn nghiện đã bào mòn cơ thể và tài sản của ông. Ông Tiến không chỉ phá hết số vàng kiếm được, mà bao nhiêu tài sản trong nhà ông cũng bán đi bằng sạch, nướng vào những cơn nghiện.
Cuộc đời ông, tưởng như chìm xuống đáy bùn nếu không có gia đình làm cho ông thức tỉnh. Năm 1999, con gái ông đỗ cao đẳng mầm non Hà Nội nhưng không có tiền ăn học, nên đành bỏ dở. Chính trong lúc túng quẫn đó, vợ ông đã tìm đến cái chết. Bà trèo lên nóc nhà nhảy xuống đất tự tử, nhưng may sao, gia đình phát hiện sớm đưa đi cấp cứu kịp thời. Chính sự suy sụp của vợ con đã khiến cho ông Tiến tỉnh ngộ, ông đã quyết tâm làm lại cuộc đời.
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20 m2, ông Tiến đã một mình chống chọi cơn nghiện suốt mấy năm trời. Ông đã nhờ người nhà xích mình vào thành giường mỗi khi lên cơn nghiện. Mỗi lần vật lộn với cơn nghiện, là một lần ông ngất lên ngất xuống... Tuy nhiên, nhờ có quyết tâm sắt đá đó, ông đã cai nghiện thành công bước ra từ “bóng tối” làm lại cuộc đời.
Quyết tâm dành lại cuộc đời cho phu vàng trở về từ lầm lỗi
Sau khi cai nghiện thành công, ông Tiến đã nghĩ đến việc giúp các anh em từng theo mình đào vàng thoát khỏi nạn nghiện ma túy. Ông Tiến chia sẻ, cũng do mình, mà nhiều người làng bị nghiện. Khi hết tiền, họ chỉ có đi ăn cắp, ăn trộm, thậm chí trấn lột để có tiền trích hút mà thôi.
Từ những suy nghĩ đó, trước hết ông Tiến đã tìm cách vận động những phu vàng trước đây cai nghiện; đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ. Tuy nhiên, thời gian đầu làm công việc này rất khó khăn. Nhiều lần, ông đến thuyết phục bị các con nghiện vác dao đuổi chém. Nhưng nhờ biết võ nên ông có thể bảo vệ được tính mạng. Cũng trong thời gian này, ông đã bỏ tiền túi ra mua một chiếc máy bơm nước, máy xay xát để anh em có thể làm thuê kiếm tiền mưu sinh.
Thế nhưng, khi lên cơn nghiện, họ đã trộm máy mang đi bán để có tiền hút. Ông đã kiên trì dùng nhiều biện pháp để thuyết phục họ hoàn lương. Cứ thế mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều biện pháp, ông Tiến đã giúp được tất cả những người nghiện trong làng thoát ra vòng xoáy đam mê của “nàng tiên nâu”. Quá trình đó kéo dài gần chục năm ròng rã, mỗi năm ông tiến hành cai cho một đến hai đối tượng và dần dần xóa sổ hoàn toàn đối tượng nghiện. Nhờ sự kiên trì và quyết tâm của ông cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Thanh Cường đã trở thành một bản làng nói không với ma túy, nhờ đó mọi người được sống yên vui, hạnh phúc, tập trung sức lực để xây dựng gia đình, quê hương.