Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Hai mươi năm một “thương hiệu” giảm nghèo

PV - 10:07, 11/02/2019

Tháng 3/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). Trải qua 20 năm thực hiện, chương trình đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và Nhân dân cả nước ghi nhớ như là một “thương hiệu” giảm nghèo, đồng hành với đồng bào DTTS, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK.

Dấn ấn trên nhiều bản làng

Chúng tôi đến xã Tà Bhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đúng dịp một sự kiện đặc biệt diễn ra tại đây; đó là Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đây thực sự là một ngày hội lớn của Nhân dân Tà Bhing. Từ các thôn, bản, đồng bào đổ về trung tâm xã-nơi diễn ra buổi lễ.

Ông A Lăng Điều, thôn Pà Xua, tự hào khoe: “Thế hệ trẻ các cháu không thể hình dung hết được, xưa kia Tà Bhing gian khổ như thế nào. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống Nhân dân khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nay quê hương đổi mới nhiều lắm. Tất cả nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”. Tuổi đã cao, nhưng già A Lăng Điều rắn rỏi như cây pơmu giữa rừng, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Ông luôn giáo dục, chỉ bảo con cháu phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 135 đã làm thay đổi diện mạo những bản làng vùng cao. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 135 đã làm thay đổi diện mạo những bản làng vùng cao.

Chủ tịch UBND xã Tà Bhing Zơ Zâm Thực chia sẻ: Tà Bhing là xã ĐBKK được hưởng thụ Chương trình 135 của Chính phủ. Xã có gần 3 nghìn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ-tu. Các ngành nghề truyền thống ngày càng phát triển; cơ sở hạ tầng, mạng lưới thương mại, dịch vụ và du lịch được mở rộng. Những ngôi nhà mới, con đường mới khang trang. Đồng bào Tà Bhing không còn thiếu ăn, thiếu mặc. Trong từng nếp nhà rực sáng ánh điện, những bộ trang phục thổ cẩm với hoa văn, màu sắc chờ đón Tết.

Tà Bhing chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện về sự đổi thay kỳ diệu của nhiều bản làng vùng cao nhờ sự trợ sức của một chương trình giảm nghèo đã định hình thương hiệu-Chương trình 135.

Ông Lưu Minh Hiệu, nguyên Tổng Thư ký Chương trình 135, vẫn nhớ như in phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình 135 đầu tiên vào năm 1998: “Chương trình 135 là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng thành một chương trình kinh tế-xã hội tổng hợp để vực dậy vùng khó khăn nhất của đất nước”. Và đến hôm nay, sau 20 năm thực hiện, ông Hiệu cũng như nhiều cán bộ gắn bó với Chương trình 135 từ những ngày đầu tiên, đều không thể quên dấu ấn và những năm tháng làm việc đầy ý nghĩa đối với sự đổi thay của những bản làng vùng DTTS, vùng ĐBKK.

Thắp sáng tương lai

Ông Hoàng Quang Minh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình nhìn nhận, trong 20 năm thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh Hòa Bình trên 1.900 tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện xây dựng trên 2.400 công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất trên 900 mô hình các loại, mở trên 700 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn bản…Chương trình 135 đã góp phần quan trọng cải thiện và từng bước nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.

Hai mươi năm một “thương hiệu” giảm nghèo Hai mươi năm một “thương hiệu” giảm nghèo.

Tỉnh Hòa Bình chỉ là một trong những địa phương được thụ hưởng chương trình…; Trên cả nước, chương trình đã hỗ trợ hàng ngàn công trình, hàng ngàn mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất… đã giúp tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, thắp sáng ước mơ cho rất nhiều đồng bào nghèo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định: Suốt 20 năm qua, Chương trình 135 đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành; sự đón nhận, ủng hộ của các cấp địa phương và người dân; sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của nhiều cơ quan Chính phủ và tổ chức Quốc tế như: Cơ quan Viện trợ của Chính phủ Ailen, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Viện trợ của Chính phủ Phần Lan, Cơ quan viện trợ Úc, Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Liên minh châu Âu, Tổ chức CARE quốc tế… Nhờ đó, Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Dân tộc nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo

“Chương trình 135 là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK; là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội và áp dụng chính sách an sinh đặc thù; là mô hình, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm để tổ chức Quốc tế dành sự quan tâm, cũng như phổ biến và học hỏi cho nhiều quốc gia trên thế giới”, Thứ trưởng Y Thông nhấn mạnh.

Ước mơ đổi mới đã và đang không ngừng được thắp sáng. Đến những bản làng vùng cao hôm nay, trong những căn nhà đơn sơ, quây quần bên bếp lửa, đồng bào vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về sự đổi thay trên mảnh đất quê hương, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chương trình 135.

Thực hiện Chương trình 135, từ năm 1999 đến năm 2018, ngân sách Trung ương đã phân bổ trên 50 nghìn tỷ đồng; cùng với các nguồn hỗ trợ khác đã đầu tư xây dựng trên 67 nghìn công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hàng trăm nghìn hộ DTTS nghèo… và rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực khác. 

THANH HUYỀN