Đường điện chia đôi
Bản Lao Khô 1, những ngày cuối năm, những bông hoa mận bắt đầu hé nở rung rinh trên những ngọn đồi thoai thoải, theo lời hẹn với anh Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1, chúng tôi tìm đến phiên chợ đưa hàng Việt về với xã vùng cao Phiêng Khoài này. 6 giờ sáng, trời còn nhá nhem chưa rõ mặt người, nhưng chợ đã đông nghịt. Xúng xính trong những bộ váy áo đủ sắc màu, những cô gái trẻ người Mông, người Thái, người Xinh Mun, giống như những đóa hoa rực rỡ làm cho phiên chợ cuối năm thêm sức sống và náo nhiệt hơn.
Gặp chúng tôi, Trưởng ban Lao Khô 1 vui lắm. Tay cầm chén rượu ngô thơm phức, anh Khai vui vẻ giới thiệu ông Tráng Lao Lử (hậu duệ của nhà lão thành cách mạng Tráng Lao Khô - người đồng chí từng cắt máu ăn thề với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản).
Ông Lử bảo, hôm nay là ngày con cháu dòng họ Tráng họp mặt cùng với những người anh em kết nghĩa bên kia biên giới, bản Nà Khạng - cụm Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Vui hơn, sau gần 17 năm dùng chung dòng điện, năm nay người dân Nà Khạng đã được chính quyền sở tại kéo điện lưới quốc gia.
Tiếp lời ông Lử, ông Thào Lao Páo, Trưởng bản Nà Khạng nói bằng tiếng Việt rất rành: Cái bụng của già Lử, của người Việt Nam tốt lắm. Hơn 20 năm trước, khi cả Lao Khô 1 và Nà Khạng đều chưa có điện, người bản Lao Khô 1 dùng tuabin nước mắc từ đầu nguồn con suối về cũng không quên kéo cái dây điện sang cho người dân Nà Khạng. Thế rồi năm 2003, Lao Khô 1 được Nhà nước Việt Nam đầu tư đường điện lưới quốc gia cũng đã sẻ chia với người anh em láng giềng. Được sự đồng ý của chính quyền hai bên, bản Lao Khô 1 đã chia nguồn điện với bà con Nà Khạng. Nhờ có điện lưới mà người dân Nà Khạng được xem ti vi, được nghe đài. Đêm đến trẻ con có điện để học, có cái chữ để sau này không phải vất vả mưu sinh như bố mẹ chúng. Gần 20 năm dùng chung nguồn điện là bấy nhiêu ân tình người dân hai bản dành cho nhau.
Không chỉ giúp người dân Nà Khạng có điện để dùng, hơn 3 năm nay, khi cán bộ ở huyện về hướng dẫn người dân Lao Khô 1 trồng cây mận, cây chanh leo, người dân bản Lao Khô 1 cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ bà con Nà Khạng 2.000 cây giống để trồng trên những đồi đất trống. Nay nhiều diện tích cây trồng đã tươi tốt và cho thu hoạch.
Nhấp chén rượu ngô cay nồng, ông Lử vỗ vai Thào Lao Páo mà rằng, chắc có lẽ cái bụng của những người ở Lao Khô và Nà Khạng thương nhau, nên trai gái hai bản cũng vì thế mà gặp gỡ, nên duyên. Già Lử nhẩm tính, hiện nay, riêng ở bản Lao Khô 1 này đã có hơn 50 cặp vợ chồng là người Việt - Lào, còn cả xã Phiêng Khoài thì phải 80 đôi...
Nghĩa nặng tình sâu
Theo ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch xã Phiêng Khoài, bản Lao Khô 1 có 7 dòng họ người Mông sinh sống. Đó là họ: Tráng, Thào, Vừ, Sếnh, Mùa, Xồng, Cứ. Từ lâu, người dân hai bản Lao Khô 1 và Nà Khạng đã tình sâu, nghĩa nặng. Với truyền thống tốt đẹp đó, năm 2013, chính quyền đã triển khai hoạt động kết nghĩa giữa hai bản. Đây cũng là mô hình điểm đầu tiên về kết nghĩa giữa bản với bản của tỉnh Sơn La.
Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên Phòng Việt Nam cho biết, Việt Nam và Lào có đường biên giới dài 2.338km, với 792 vị trí mốc giới, tương ứng bới 834 cột mốc, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam. Từ năm 2007, Bộ đội Biên phòng đã triển khai mô hình “kết nghĩa bản - bản”. Đến nay, trên toàn biên giới Việt Nam - Lào có 103 mô hình kết nghĩa. Trong đó, tỉnh Sơn La có 7 mô hình.
Sau kết nghĩa, hai bản càng thêm gắn bó. Cán bộ chính quyền tập trung vào việc tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân hai bản nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới. Vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai Nhà nước. Xây dựng phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự hai bên biên giới. Tạo điều kiện cho Nhân dân hai bản thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau lúc khó khăn nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân…
Từ khi thực hiện kết nghĩa, định kỳ mỗi tháng 1 lần, hai bên luân phiên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tình hình. Trong trường hợp có vụ việc phát sinh, hai bản sẽ gặp đột xuất để cùng thống nhất. Nhờ vậy, những khó khăn, vướng mắc đều được giải quyết, tinh thần đoàn kết người dân hai bản ngày càng được tăng cường. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần cụ thể hóa chủ trương đối ngoại Nhân dân của hai Đảng và hai Nhà nước, không những phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống Nhân dân, gắn kết tình cảm truyền thống, lâu đời giữa cư dân hai bên biên giới Việt - Lào, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.