Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Nội với tầm nhìn của thành phố kết nối toàn cầu

PV - 15:12, 10/10/2023

Thủ đô Hà Nội hiện là đô thị có diện tích lớn, số dân đông, nhưng bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh còn nhiều trở lực trong quá trình phát triển, hạ tầng khu vực nội đô quá tải, môi trường ô nhiễm...

Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô, đi qua hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn (Hà Nội). (Ảnh NGỌC THÀNH)
Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô, đi qua hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn (Hà Nội). (Ảnh NGỌC THÀNH)

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2045 trở thành thành phố kết nối toàn cầu, thành phố Hà Nội đang tập trung lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với việc tích hợp nhiều lĩnh vực, nội dung quan trọng để định hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên.

Mặc dù Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện hồ sơ, nhưng đã được nhiều chuyên gia đánh giá mang tính đột phá, tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, sẽ là cơ hội để thành phố xác lập các quan điểm thống nhất trong phát triển Thủ đô và tổ chức không gian trong tương lai.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Thủ đô Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng. Thời gian qua, thành phố đã tập trung lập các quy hoạch, tạo cơ sở để đầu tư xây dựng các dự án. Nhờ đó, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội đang tích cực phối hợp với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô để triển khai các dự án xây dựng đường vành đai 4, vành đai 3,5, hoàn thiện các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, các tuyến đường sắt đô thị...

Tuy nhiên, hệ thống giao thông của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Quy hoạch đi sau hạ tầng, cho nên các giải pháp về giao thông của thành phố còn mang tính ứng phó và thiếu giải pháp căn cơ để xây dựng chiến lược phát triển giao thông bền vững. Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô thường xuyên xảy ra, kèm theo ô nhiễm môi trường...

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang phải “gồng gánh” khoảng 7,9 triệu phương tiện, trong đó có 1,1 triệu xe ô-tô, 6,6 triệu xe máy và 200 nghìn xe điện, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt hơn 10%, thấp hơn rất nhiều so với định hướng quy hoạch từ 20% đến 26%; quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%.

Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011-2020 khoảng 2,48%/năm. Vì thế, trên địa bàn thành phố có khoảng 35 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Điển hình như các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., lưu lượng phương tiện thường xuyên vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Tình trạng tắc đường cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường khác như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, vành đai 2,5, vành đai 3, cầu Thanh Trì, Ngã Tư Sở...

Theo đánh giá của đại diện các đơn vị liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thành phố còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển, như hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ hơn tám triệu dân. Công tác quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô khẳng định, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế, có nhiều tiềm năng về con người, di sản văn hóa mà ít Thủ đô trên thế giới có được.

Tuy nhiên, Hà Nội chưa có một thể chế thật sự vượt trội để khai thác hết tiềm năng cho phát triển.

Để Thủ đô vươn tầm châu lục

Từ những đánh giá trên, đại diện các đơn vị liên danh tư vấn cho biết, định hướng Quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt dựa trên trụ cột xuyên suốt là các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh.

Nhân tố con người sẽ được phát huy, trở thành vai trò trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu phát triển. Các giá trị văn hóa, lịch sử được tôn trọng, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển bền vững, ngang tầm với kinh tế...

Không gian hồ và các dòng sông được khai thác vừa để tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh, sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị. Sông Hồng trở thành trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Định hướng quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển cụ thể đối với các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế; quy hoạch không gian văn hóa-thể thao và du lịch; phương án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn; tái thiết đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), mở rộng ngoài đô thị trung tâm.

Thành phố đã tập trung định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô.

Thành phố bắc sông Hồng bao gồm ba huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài.

Thành phố phía tây Hà Nội (Hòa Lạc-Xuân Mai) lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được bàn giao về Hà Nội quản lý, làm hạt nhân.

Hai thành phố sẽ gắn với 5 trục phát triển, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển đô thị theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; trục không gian hồ Tây-Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục không gian hồ Tây-Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; trục không gian Nhật Tân-Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian phía nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam.

Đánh giá cao bản dự thảo quy hoạch, Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội Lê Quân cho biết, thời gian qua không gian đô thị Hà Nội phát triển rất nhanh, diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, có bản sắc, tạo động lực phát triển kinh tế đô thị.

Tuy nhiên, dân số, hạ tầng đô thị, môi trường quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị.

Không gian xanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. (Ảnh ANH SƠN)
Không gian xanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. (Ảnh ANH SƠN)

Vì thế, để thay đổi cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, quy hoạch định hướng phát triển cần cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt là các khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.

Đồng quan điểm này, PGS, TS, KTS Nguyễn Đình Thi, Trường đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, bản quy hoạch đã thể hiện rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tích hợp quy hoạch, tạo cơ sở quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất hoạch định chính sách, tạo động lực phát triển Thủ đô; đồng thời giải quyết được những hạn chế phát triển đô thị thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp 17 lĩnh vực và 30 nội dung, có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố, được kỳ vọng mang tính đột phá và tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, cơ quan được giao lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, thời gian qua đơn vị đã chủ trì, phối hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về công tác lập quy hoạch...

Viện cũng phối hợp với liên danh tư vấn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia nhà khoa học về phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa bàn để tích hợp vào quy hoạch.

Tại buổi hội thảo định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các phát biểu tham luận tại hội thảo cũng như những góp ý, gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản quy hoạch.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Thành phố không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước, mà quy hoạch thành phố có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2045 trở thành thành phố kết nối toàn cầu.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến những vấn đề hệ trọng của thành phố, không chỉ trước mắt mà tầm nhìn lâu dài, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội nhiều địa phương.

Vì thế, thành phố Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng bản quy hoạch để vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.