100% xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới
Năm 2024 kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đồng thời là dịp nhìn lại 16 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sau sáp nhập (01/8/2008), mặc dù phải đối diện với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng kỹ thuật còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền..., nhưng với nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội…
Chúng tôi có dịp trở lại các xã miền núi của huyện Thạch Thất và cảm nhận rõ nơi đây đang đổi thay từng ngày. Người dân vui mừng vì sự phát triển toàn diện, kinh tế phát triển, chất lượng đời sống người dân nâng cao hơn trước, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp... Ông Đinh Như Môn, Người có uy tín ở thôn 3, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, của Thành phố thông qua chính sách dân tộc, người dân trên địa bàn xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình có giá trị kinh tế cao như mít, bưởi, nhãn... Người dân quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP. Hà Nội đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hàng trăm chương trình, dự án. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thành phố đã uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 8.000 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn giải quyết việc làm…
Thành phố cũng đã ban hành 4 kế hoạch để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Nhờ vậy, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào từng bước được đầu tư đồng bộ. Đến nay 14/14 xã (100%) vùng DTTS đều đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (tăng trên 30 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS là 0,38%; gần 80% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã dân tộc, miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% số hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS miền núi được nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch so với vùng đồng bằng và đô thị của Thành phố. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng còn khoảng cách khá xa so với thu nhập bình quân chung của Thành phố (năm 2023 là 151 triệu đồng/năm).
Hà Nội phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân của Nhân dân vùng DTTS và miền núi ngang bằng với Nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%. 100% thôn, làng có nhà văn hóa; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%. Giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết: Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố. Tích hợp lồng ghép các chương trình, chính sách để triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách đối với vùng DTTS và miền núi. Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả các chính sách dân tộc đã ban hành, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, với Thành phố kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế và các chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi.
70 năm qua, đặc biệt là sau 17 năm sáp nhập địa giới hành chính, những thành tựu đạt được đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, mà còn góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, để mãi xứng đáng là “Trái tim của cả nước”, “Thành phố vì hòa bình”.