Thôn Suôi Thầu có độ cao từ 700 - 1.200 m so với mực nước biển, là địa phương có chất đất tốt, khí hậu mát mẻ, phù hợp nhiều loại cây ăn quả và các loại cây gừng , nghệ. Trong đó, gừng là cây trồng bản địa được bà con người dân tộc Mông ở thôn canh tác lâu năm.
Đối với bà con người Mông thôn Suôi Thầu, việc trồng gừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, lúa nương. Vụ thu hoạch năm 2019, củ gừng Suôi Thầu có giá 11.000-12.000 đồng/kg, nay đã tăng lên từ 15 - 16 ngàn đồng/kg, giúp bà con có thêm thu nhập, phấn khởi và yên tâm canh tác loại cây trồng này. Năm 2020, bà con Suôi Thầu trồng 35 ha gừng, 5 ha nghệ vàng cho thu hoạch với sản lượng 25 tấn/ha. Hàng năm, bà con thu hoạch và bán phần lớn sản lượng gừng thu được, phần còn lại để dùng làm gia vị, thuốc trong gia đình và làm giống trồng vụ sau.
Từ nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế mang lại, diện tích gừng Suối Thầu tăng lên từng ngày và trở thành cây trồng chủ lực của bà con sinh sống trên thảo nguyên này.
Để cây gừng đạt năng suất cao hơn, cán bộ khuyến nông thị trấn Cốc Pài đã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch bệnh trên cây gừng. Nếu được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, 1 ha gừng có thể cho thu hoạch từ 25 - 35 tấn. Gừng là cây trồng dễ phát triển, không tốn nhiều công chăm sóc và ít bị sâu hại, có giá trị kinh tế, bên cạnh đó, gừng có thể trồng xen canh với nhiều loại cây trồng nên bà con các địa phương khác cũng đang trồng loại cây này.
(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)