Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Nhiều phụ nữ DTTS được hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em

Thúy Hồng - 06:22, 18/07/2024

Chiều 17/7, tại Hà Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em giai đoạn 1 và khuyến nghị hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2030.

Bà Hà Thị Oanh - Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Hà Thị Oanh - Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Hà Thị Oanh - Phó Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo - Trung ương Hội LHPN Việt Nam và bà Lù Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng một số đại diễn Hội LHPN huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lù Thị Hà cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, đông đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 42,61%, giao thông đi lại rất khó khăn; một số hủ tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, một số nơi tỷ lệ phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em còn thấp.

Theo thống kê trong năm 2023 - 2024, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là 69.871, trong đó số phụ nữ DTTS khám thai/3 kỳ 9.802; số phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ là 18.882, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà còn cao, trên 3.458 ca.

Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã triển khai nội dung 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại địa bàn tỉnh đạt được kết quả như: Nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Lù Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang phát biểu tại Hội thảo
Bà Lù Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang phát biểu tại Hội thảo

Theo bà Lù Thị Hà, tính đến ngày 30/6/2024, triển khai thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.680 phụ nữ đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế và hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con với tổng kinh phí toàn tỉnh chi trả 4 gói hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Giang đã phối hợp với ngành Y tế và các ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền thực hiện về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến 4 gói chính sách hỗ trợ, thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu, truyền thông tại cộng đồng, trường học; tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, tuyên tuyền qua trên nhóm Facebook, Zalo của Hội...

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Kết quả đã tổ chức 529 cuộc truyền thông/19.319 người nghe về kiến thức sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tổ chức 7 lớp tập huấn/384 học viên là cán bộ Hội các cấp, cán bộ y tế, chỉ hội trưởng, cán bộ y tế thôn bản và tuyên truyền viên về triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ và tuyên truyền vận động phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em…

Bà Lù Thị Hà khẳng định, gói chính sách hỗ trợ đã tác động tích cực đến bà mẹ và trẻ em. Việc triển khai thực hiện gói chính sách đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện, giảm thiểu tỉnh trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ em trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc của HĐND tỉnh Hà Giang phát biểu tại Hội thảo
Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc của HĐND tỉnh Hà Giang phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai. Một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, cách thức thanh toán gói hỗ trợ đi lại khám thai…

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận làm rõ những vấn đề triển khai thực hiện chính sách cũng như những khó khăn vướng mắc để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Ông Hoàng Văn Kheo - Trường khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang phát biểu tại Hội thảo
Ông Hoàng Văn Kheo - Trường khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Hà Thị Oanh - Phó trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPN Việt Nam ghi nhận những kết quả triển khai thực hiện các gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo bà Oanh, việc đánh giá những khó khăn, vướng mắc tại Hội thảo sẽ là cơ sở xây dựng, đánh giá việc triển khai thực hiện dự án để tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới. 

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.