Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gương sáng vùng biên

Đỗ Long- Tùng Lâm - 14:36, 27/09/2023

Đến xã Sa Loong - một xã thuộc khu vực biên giới của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chúng tôi được nghe nhắc nhiều đến bà Y Tin, Bí thư Chi bộ thôn Giăng Lố II. Nhiều năm cống hiến tại xã, dù trên cương vị nào, bà Y Tin luôn gần gũi, sâu sát người dân, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng thôn làng ngày một giàu mạnh.

Bà Y Tin (giữa) phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và chính quyền đi tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Bà Y Tin (giữa) phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và chính quyền đi tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ khi còn nhỏ bà Y Tin đã tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập thật tốt. Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, bà Y Tin quyết tâm theo đuổi con chữ. Và cuối cùng bà cũng hái được “quả ngọt”, khi trở thành giáo viên vào năm 1980.

“Trở thành giáo viên tôi rất vui vì mơ ước từ nhỏ của bản thân là dạy chữ cho những em nhỏ tại địa phương, giáo dục các em trở thành những công dân tốt. Tôi hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn mà các em học sinh trải qua, nên muốn lấy tình yêu của mình để bù đắp cho các em”, bà Y Tin tâm sự.

Gắn bó với công tác giáo dục gần 10 năm tại trường Tiểu học xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, đến năm 1990, bà Y Tin được phân công về xã làm cán bộ chuyên trách dân số và kế hoạch hóa gia đình kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sa Loong. Trên cương vị mới, bà Y Tin tiếp tục làm tốt vai trò của mình, vận động, tuyên truyền bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bà Y Tin đã chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sa Loong tổ chức các buổi họp, gặp mặt, giao lưu giữa các hội viên để lồng ghép các nội dung kế hoạch hóa gia đình, tránh tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hạn chế sinh đẻ tại nhà. Hướng dẫn chị em phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc con cái đúng cách.

Cùng với đó, bà Y Tin đã hướng dẫn các các Chi Hội trưởng Nông dân cùng các hội viên nông dân những kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi do bà tiếp thu được từ những lớp tập huấn; vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Năm 2010, bà Y Tin được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Sa Loong. Trên cương vị mới, bà Y Tin như “mắt xích” gắn bó khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời quyết liệt hơn trong cuộc chiến đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn.

Bà Y Tin tham gia dạy học xóa mù chữ trên địa bàn.
Bà Y Tin tham gia dạy học xóa mù chữ trên địa bàn.

Bà Y Tin cho biết: Ở xã Sa Loong có 14 dân tộc khác nhau nên văn hóa, phong tục tập quán rất đa dạng. Để văn hóa các dân tộc hòa hợp mà không ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, tinh thần đoàn kết thì cần phải có chọn lọc. Tôi phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương sâu sát người dân để hiểu và biết được những hủ tục, phong tục nào phù hợp hoặc không phù hợp, gây lãng phí, tốn kém sẽ vận động, tuyên truyền bà con bỏ dần.

Bằng sự nỗ lực của bà Y Tin trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân Sa Loong đã dần bỏ được nhiều hủ tục không còn phù hợp như: Cúng, khấn thần linh khi đau ốm; tục “tìm bà mối khi đi hỏi vợ”; tục “củi hứa hôn”; bỏ thói quen ma chay, lễ cưới dài ngày…

Còn nhớ, thời điểm bà Y Tin làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Sa Loong, “tà đạo Hà Mòn” có những diễn biến phức tạp tại thôn Giăng Lố II. Bà Y Tin cùng chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã đến nhà từng hộ dân theo "tà đạo Hà Mòn", phân tích những sai trái của “tà đạo”, động viên các hộ bỏ dần “tà đạo” để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Các hộ nghe lời bà Y Tin, tin theo Đảng và Nhà nước từ bỏ "tà đạo Hà Mòn", chăm lo làm ăn, phát triển đời sống.

Với những đóng góp của bà Y Tin, năm 2018, các đảng viên thôn Giăng Lố II tín nhiệm bầu bà giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Năm 2020 bà nghỉ hưu, thôi làm công tác Mặt trận, tập trung làm tốt vai trò Bí thư Chi bộ. Ngày bà mới làm Bí thư Chi bộ, toàn thôn có hơn 50% số hộ nghèo, người dân chủ yếu trồng lúa theo hình thức chọc tỉa, tự túc tự cấp…, bà Y Tin cùng các đảng viên trong Chi bộ phân công nhau phụ trách nhóm hộ, giúp đỡ các hộ nghèo cùng phát triển kinh tế. Giờ đây, cả thôn Giăng Lố II chỉ còn hơn 10% số hộ nghèo, người dân biết trồng lúa nước 2 vụ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, bón phân, tưới nước cho cây trồng.

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: Bà Y Tin là một cán bộ mẫu mực, gần gũi, sâu sát với người dân. Bà là “cầu nối” giữa người dân và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nói lên những vướng mắc, khó khăn mà bà con gặp phải, từ đó giúp đời sống người dân ngày càng phát triển. Hiện tại, xã đang mở lớp dạy xóa mũ chữ cho đồng bào DTTS trên địa bàn, bà Y Tin sẵn sàng phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong dạy học cho bà con nhằm góp phần nâng cao dân trí cho bà con các dân tộc.


Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.