Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gỡ nút thắt để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

PV - 14:26, 10/01/2018

Từ bộ tiêu chí khung, các địa phương sẽ điều tra, rà soát, xác định xã khu vực I, xã khu vực II, xã khu vực III và thôn bản ĐBKK, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, quá trình phân định khu vực theo trình độ phát triển vẫn còn nhiều bất cập khiến chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển chưa thực sự đến đúng chỗ.

Bài 2: Cần thống nhất đầu mối phân định khu vực
Những đồi chè ở xã Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An) không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn đóng góp vào tăng trưởng của xã, nhưng Thanh An vẫn có 14/14 thôn ĐBKK là không bình thường. Những đồi chè ở xã Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An) không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn đóng góp vào tăng trưởng của xã, nhưng Thanh An vẫn có 14/14 thôn ĐBKK là không bình thường.

 

Nhập nhằng phân định từ cơ sở

Xã Thanh An thuộc vùng trung du của huyện Thanh Chương (Nghệ An); toàn xã có 14 thôn. Xã có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua, một phần tiếp giáp với sông Lam, lại là vùng trọng điểm trồng chè của huyện.

Vì vậy, dù còn khó khăn nhưng Thanh An vẫn có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt gần 18 triệu đồng/người/năm; tương đương đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Chiếu theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 thì với mức thu nhập bình quân nêu trên, phần lớn các gia đình ở Thanh An đều “vượt ngưỡng” hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hơn nữa, chỉ cách trung tâm huyện 15km, Thanh An đã được đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; các dịch vụ thông tin, viễn thông,… đều đã được phủ sóng.

Nhưng năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Thanh An lại cao chót vót, lên tới 64,27% dân số (27,68% hộ nghèo, 36,59% cận nghèo). Vì vậy, cùng với nhiều tiêu chí “thiếu” khác, giai đoạn 2016-2020, theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, 14/14 thôn của Thanh An được đưa vào danh sách thôn ĐBKK; Thanh An cũng là xã khu vực III, được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội cho xã nghèo.

Việc Thanh An có 14/14 thôn ĐBKK là điều không bình thường. Bởi ở Nghệ An, rất ít xã có số thôn bản ĐBKK “tuyệt đối” như xã Thanh An, trong khi Thanh An là xã thuộc vùng trung du, có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Trong khi đó, rất nhiều xã ở miền núi, vùng cao, nhất là các xã biên giới thuộc các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ thôn bản ĐBKK cũng không nhiều như ở Thanh An. Như xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) có 6/11 bản, chiếm 54,5%; xã Bồng Khê (Con Cuông) có 1/9, tương đương 11,1%; xã Long Sơn (Anh Sơn) 1/17 thôn, chiếm 5,8%,…

Tính rộng ra cả huyện Thanh Chương, mặc dù thuộc vùng trung du nhưng tỷ lệ thôn bản ĐBKK lại không hề thua kém so với các huyện nghèo của tỉnh. Theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017, huyện Thanh Chương có 6/31 xã khu vực III, nhưng có tới 110 thôn bản ĐBKK. Trong khi đó, huyện 30a Kỳ Sơn có 20/21 xã khu vực III, có 166 thôn bản ĐBKK. Còn huyện 30a Tương Dương có 15/18 xã khu vực III có 126 thôn bản ĐBKK;…

Sự khác biệt về tình trạng khó khăn của huyện Thanh Chương so với 3 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương thể hiện ở tổng thu ngân sách hằng năm. Như năm 2017, ước tính tổng thu ngân sách của huyện Thanh Chương đạt trên 92 tỷ đồng; còn Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương chỉ đạt trên dưới 20 tỷ đồng.

Chồng chéo nhiều hình thức phân định

Vậy vì sao huyện Thanh Chương lại có số lượng thôn bản ĐBKK xấp xỉ bằng các huyện nghèo thực sự khó khăn của tỉnh? Thực tế, không chỉ riêng Nghệ An mà câu hỏi này cũng cần được đặt ra cho nhiều tỉnh, thành khác trong việc điều tra, rà soát để phân định xã khu vực I, xã khu vực II, xã khu vực III và thôn bản ĐBKK thuộc vùng DTTS và miền núi.

Theo Quyết định 945/QĐ-LĐTBXH ngày 22/6/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo Nghệ An là 9,55%, nhưng toàn tỉnh có 1.175 thôn bản ĐBKK. Còn với tỉnh Lai Châu, tỷ lệ hộ nghèo là 34,81% thì toàn tỉnh chỉ có 696 thôn bản ĐBKK. Riêng Điện Biên, tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (44,82%) thì có 1.146 thôn bản ĐBKK.

Theo ông Mùa A Vảng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hiện vẫn là một trong những tiêu chí “cứng” để xác định thôn bản ĐBKK, xã khu vực I, xã khu vực II, xã khu vực III. Tuy nhiên, việc điều tra, rà soát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang cho thấy nhiều bất cập, cần phải xem xét lại.

Nhận định của ông Mùa A Vảng không phải là không có cơ sở bởi thực tế, việc rà soát và thẩm định, phê duyệt kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Đã có không ít trường hợp tỷ lệ hộ nghèo “ảo” ở một số địa phương khiến kết quả phân định khu vực DTTS và miền núi theo trình độ phát triển thiếu độ chính xác nhất định.

Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là, ngoài hình thức phân định theo trình độ phát triển thì các xã vùng DTTS và miền núi còn được phân định theo nhiều hình thức khác. Do nhiều bộ, ngành chủ trì. Đó là phân loại địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển do Bộ Quốc phòng chủ trì; phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì; phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn do Bộ Nội vụ chủ trì;…

Tại Hội nghị đánh giá kết quả giám sát; triển khai thực hiện Nghị quyết 48/2017/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi được tổ chức ngày 26/12/2017, báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đánh giá: Việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển xuất phát từ yêu cầu và nhằm mục tiêu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan Ủy ban Dân tộc, trực tiếp phục vụ việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn vùng DTTS và miền núi (chủ yếu áp dụng cho các xã, thôn bản thuộc Chương trình 135). Quá trình thực hiện, các bộ ngành, địa phương áp dụng các kết quả phân định vào việc triển khai, thực hiện các chính sách khác. Việc này dẫn đến sự chồng chéo, khó phối hợp trong hướng dẫn thực hiện, thiếu tập trung nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng; tạo kẽ hở, thực hiện sai về đối tượng, địa bàn một số chính sách.

Trước thực tế này, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ cần thống nhất một đầu mối phân định khu vực vùng DTTS và miền núi. Đây là tiền đề để thống nhất đầu mối xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai trên địa bàn khó khăn trong những năm tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.