Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gỡ khó để phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp

PV - 14:36, 25/06/2019

Phụ nữ Việt Nam chiếm gần 50% lực lượng lao động cả nước, là nguồn lực rất lớn trong khởi nghiệp, làm giàu. Tuy nhiên, phụ nữ đặc biệt là phụ nữ DTTS đang gặp nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, rào cản để phụ nữ DTTS khởi nghiệp là việc cần được ưu tiên quan tâm.

Nguồn lực còn bị bỏ ngỏ

Thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, hiện nay số doanh nghiệp do nữ làm chủ, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế.

Ðể bắt đầu khởi nghiệp, ngoài việc vượt qua sự thiếu tự tin, tư tưởng an phận thủ thường, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm, định kiến giới, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường, kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

Phụ nữ DTTS và những câu chuyện khởi nghiệp. (Ảnh chụp bên lề Diễn đàn hợp tác, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, kinh doanh và liên kết chuỗi giá trị, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Phụ nữ DTTS và những câu chuyện khởi nghiệp. (Ảnh chụp bên lề Diễn đàn hợp tác, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, kinh doanh và liên kết chuỗi giá trị, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng 71% số phụ nữ đang làm việc ở Việt Nam là tự sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp và dịch vụ là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất; đảm nhiệm phần lớn các công việc trong nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp.

Mới đây, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Tổ công tác 569 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp phối hợp với Công ty Cổ phần Xã hội Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (gọi tắt là WISE) và Trường Đại học Tây Bắc, tổ chức Diễn đàn hợp tác, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, kinh doanh và liên kết chuỗi giá trị. Diễn đàn được tổ chức nhằm gỡ khó, truyền cảm hứng cho cộng đồng phụ nữ DTTS khởi nghiệp, kinh doanh; liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dược liệu; lắng nghe các doanh nghiệp chia sẻ về nhu cầu hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh với các tổ, nhóm phụ nữ DTTS.

Tăng cường liên kết

Thời gian tới, các bên sẽ hỗ trợ cùng khảo sát, tìm kiếm các tổ, nhóm phụ nữ DTTS có đủ năng lực, phẩm chất, ý chí, khát vọng hợp tác với doanh nghiệp; hỗ trợ kết nối, tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng để trực tiếp thảo luận xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác. Đồng thời, kết nối mạng lưới chuyên gia tư vấn, đồng hành với các tổ, nhóm phụ nữ DTTS có ý chí khởi nghiệp, kinh doanh, trong quá trình thực hiện các hoạt động liên kết hợp tác với doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, thì tiềm năng liên kết, hợp tác với các tổ, nhóm phụ nữ DTTS có rất nhiều lợi thế. Ngoài sự am hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng, thì các sản phẩm do phụ nữ DTTS sản xuất ra là sản phẩm sạch, có chất lượng tốt.

Bà Đinh Thị Xoa, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hồ (tỉnh Sơn La) chia sẻ: Hợp tác xã có 19 thành viên (trong đó 63% là nữ, 100% là nữ DTTS). Hiện nay, Hợp tác xã đang trồng 8ha bắp cải, đậu cô ve, su su. Chị em phụ nữ DTTS mong muốn được đào tạo, tập huấn kỹ thuật; tư vấn, hướng dẫn kết nối với đơn vị, doanh nghiệp thu mua; ký kết hợp đồng lâu dài để ổn định bao tiêu sản phẩm...

Chị Vũ Thị Tình, HTX Rau Tâm Đức, bản Pàn, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ tốt nghiệp Đại học Lâm Nghiệp, với sự quyết tâm vượt khó, sáng tạo, chị đã cùng các chị em thành lập nên HTX rau Tâm Đức, với mong muốn tận dụng lợi thế địa phương để khởi nghiệp, làm giàu.

“HTX Rau Tâm Đức có 25 thành viên (trong đó 52% là nữ, 96% là nữ DTTS). Hiện đang trồng 5ha bắp cải, bí xanh, chanh leo, sachi. Các sản phẩm này, hiện đang bán về chợ đầu mối tại Thanh Hóa, còn lại tiêu thụ nhỏ lẻ. Vì vậy, chúng tôi rất cần hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm”, chị Tình đề xuất.

Hỗ trợ đồng bộ các hoạt động

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn một triệu doanh nghiệp của cả nước (so với tỷ lệ hiện tại vào khoảng 25%); 100% số phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng DTTS có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, quỹ giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức...

Để phụ nữ DTTS khởi nghiệp thành công, việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phải được thực hiện đồng bộ trong từng hoạt động. Các bộ, ngành cũng cần có sự lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các đề án, chương trình có liên quan.

Ðồng thời, phụ nữ DTTS cũng cần chủ động, tích cực học hỏi, tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường..

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.