Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên chú trọng công tác tuyên truyền, tuyển dụng bổ sung đủ giáo viên mầm non, hợp đồng nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ đối với các điểm trường ĐBKK; bố trí sắp xếp hợp lý giáo viên mầm non, tiểu học theo hướng ưu tiên giáo viên cùng DTTS với trẻ hoặc giáo viên thông thạo tiếng DTTS ở các trường, điểm trường có học sinh DTTS. Ðồng thời, vận động phụ huynh và cộng đồng tích cực sử dụng tiếng Việt giao tiếp với trẻ khi ở nhà, tạo môi trường thực hành giao tiếp hiệu quả...
Qua 2 năm triển khai, trên 75.000 phụ huynh học sinh mầm non, hơn 41.000 phụ huynh học sinh tiểu học được truyền thông về Ðề án. Ngoài ra, ngành bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho 1.063 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia dạy trẻ em là người DTTS. Một số huyện thực hiện bồi dưỡng tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ là người DTTS có con đang học tại các điểm trường vùng ĐBKK.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tích cực thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS thông qua các hoạt động hằng ngày theo chế độ sinh hoạt của trẻ mầm non; rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh tiểu học vào các buổi chiều trong tuần. Các cơ sở giáo dục cũng được bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh.
Thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: Đặc thù địa bàn có trên 90% học sinh là người DTTS, bởi vậy nhà trường tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi, hoạt động ngoại khóa. Ðiều đó tạo không khí vui vẻ, tâm thế thoải mái, giúp học sinh tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt. Giáo viên tại 10 điểm trường quan tâm đến việc xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ bằng những học liệu dễ kiếm tại địa phương. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích con em mình sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và tạo dựng môi trường nói tiếng Việt tại gia đình…
Đối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tủa Chùa, việc tăng cường dạy học 2 buổi/ngày để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng Việt với cô giáo và bạn bè; tăng thời lượng dạy môn tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 504 tiết. Giáo viên còn tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục và vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai để tăng thời gian luyện nói cho học sinh. Xây dựng cho học sinh môi trường giao lưu tiếng Việt để học sinh dân tộc có cơ hội tăng khả năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng tiếng Việt thông qua việc tổ chức các hội thi, hoạt động ngoại khóa (giao lưu tiếng Việt, thi văn nghệ...).
HƯƠNG CHI