Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giữ vòng nguyệt quế cho tinh thần kiến tạo

PV - 15:50, 31/01/2018

Đất nước vào Xuân, bước sang năm mới 2018 với nhiều kỳ vọng về những thành tựu to lớn hơn trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Kỳ vọng đã được đặt trên nền tảng của những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

baodantoc_thu_tuong_nguyen_xuan_phuc Sự phấn chấn, tinh thần quyết tâm cao nhất đó đã được Thủ tướng Chính phủ quán triệt trong Hội nghị Chính phủ trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, diễn ra cuối tháng 12/2017.

 

 

Sự phấn chấn, tinh thần quyết tâm cao nhất đó đã được Thủ tướng Chính phủ quán triệt trong Hội nghị Chính phủ trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, diễn ra cuối tháng 12/2017. Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quyết liệt, bắt tay vào công việc ngay từ đầu năm, “không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Nhìn lại năm 2017 để thấy, việc thực hiện nhiệm vụ nếu cứ đủng đỉnh tập quán văn hóa lúa nước thì chắc chắn chúng ta sẽ khó đạt được những thành tựu vượt bậc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, vai trò kiến tạo của Chính phủ đã phát huy cao độ.

Nhờ đó, chúng ta đã thu hoạch được những “quả trứng vàng” trong năm Đinh Dậu 2017. Sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội khóa XIV đặt ra. Trong đó, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) đạt 6,81%, cao nhất trong gần 10 năm qua. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực: khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%;…

Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng lên một tầm mới. Việt Nam đã tổ chức thành công APEC 2017 ngoài mong đợi. Đó là những nhận xét của các nhà lãnh đạo APEC cũng như các đại biểu quốc tế tham dự.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về an sinh xã hội trong năm 2017 cũng để lại nhiều dấu ấn, rõ nét nhất là công tác giảm nghèo. Dù chưa có kết quả rà soát chính thức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhưng ước tính, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước tính đến 31/12/2017 ở mức dưới 7% (chuẩn nghèo đa chiều), giảm khoảng 1,5% so với cuối năm 2016.

Cùng sự phát triển chung của đất nước, năm 2017, với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, năm 2017, vùng DTTS và miền núi nước ta tiếp tục có những bước phát triển toàn diện, vững chắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-4%/năm; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ; đồng bào các dân tộc phấn khởi thi đua lao động sản xuất, vận dụng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Ngày càng có nhiều tấm gương là người DTTS, là những “đầu tàu” trong phát triển kinh tế-xã hội giữ gìn an ninh trật tự vùng DTTS và miền núi.

Để vinh danh những “đầu tàu” đó, năm 2017, lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các ban bộ ngành địa phương tổ chức Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ nhất năm 2017. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, không chỉ vinh danh 512 “đầu tàu” tiêu biểu mà qua đó còn góp phần cổ vũ, động viên, khuyến khích đồng bào các DTTS nỗ lực vươn lên cùng sự phát triển chung của đất nước, không để bị bỏ lại phía sau.

Sắc Xuân vùng cao. Sắc Xuân vùng cao.

 

Những thành quả gặt hái trong năm 2017 thật đáng nâng niu, trân trọng; là vòng nguyệt quế mà chúng ta đã dành được sau một năm nỗ lực. Nhưng phía trước còn cả chặng đường cam go, muôn vàn thách thức.

Mặc dù thành tựu trong năm 2017 là những con số rất đẹp nhưng mức chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực không được thu hẹp mà lại rộng ra. Năng suất lao động của lao động Việt Nam năm 2017 thấp hơn cả Lào. Đây là hòn đá tảng cản đường phát triển của nền kinh tế.

Còn trong nước, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền vẫn còn một khoảng cách lớn. Hết năm 2017, nếu tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là dưới 7% thì vùng DTTS và miền núi vẫn trên 20%; riêng các huyện nghèo 30a vẫn xấp xỉ 40%, cá biệt có nhiều thôn bản, tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 87%. Cùng với đó, vùng DTTS và miền núi vẫn là “vùng lõm” trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin,…

Để thu hẹp khoảng cách phát triển, cùng với hệ thống chính trị, năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Cùng với những chính sách đã và đang triển khai, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, xây dựng để Chính phủ ban hành chính sách mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Đặc biệt, trong điều kiện các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổ chức Phi Chính phủ (NGO) đang có xu hướng giảm dần thì việc thu hút nguồn vốn nước ngoài dành cho các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn được duy trì.

Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, ưu tiên xây dựng, duy trì và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực để đầu tư vào vùng DTTS và miền núi.

Nhưng lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn đó những khó khăn, thách thức không dễ vượt qua nếu chỉ dựa vào nỗ lực của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc. Chúng ta đều biết, lâu nay, hầu hết các chính sách đều chỉ bố trí được 50% vốn để thực hiện, trừ Chương trình 135.

Ngay cả Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, một chính sách tích hợp, được kỳ vọng là “cú huých” cho sự phát triển bền vững ở vùng DTTS và miền núi, hiện vẫn chưa bố trí được vốn để thực hiện.

Rồi Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 08/8/2017;… Đây đều là những chính sách hướng tới thu hẹp khoảng cách vùng miền, nhưng để đi vào cuộc sống là cả một vấn đề.

Trong năm 2017, đã không ít đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi chồng chéo, manh mún đã được thảo luận lâu nay, nhưng vẫn không giải quyết được.

Rồi thì tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khi không hiệu quả thì chẳng ai chịu trách nhiệm,… Tất cả cũng bởi, trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, chúng ta chưa có những ràng buộc theo quy định của một bộ luật riêng. Lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc có ở rất nhiều văn bản luật, nhưng tản mạn.

Yêu cầu có một bộ luật riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, nhưng hiện vẫn tiếp tục chờ.

Những rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi nếu không được tháo gỡ sẽ góp phần kéo giảm sự tăng trưởng của đất nước.

Cũng bởi vậy, như người đứng đầu Chính phủ đã lưu ý, “không nên ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, các ngành, các cấp cần phát huy cao độ tinh thần kiến tạo, hành động, cùng đồng bào các dân tộc ra sức thi đua hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 theo Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua Ái Quốc (1948-2018).

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục