Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giữ rừng trong mùa nắng nóng

Thanh Nguyễn - CĐ - 14:54, 24/06/2021

Mỗi tổ, chốt từ 3-5 người; canh gác mọi ngả đường đổ về rừng. Bất kể đêm ngày, hết ca này đến ca khác túc trực ở bìa rừng chỉ để biết những ai vào rừng, vì mục đích gì. Có bóng dáng của họ, những cánh rừng sẽ bớt lửa, màu xanh sẽ thêm trải dài. Chúng tôi gọi họ là những người trực rừng ở dải đất miền Trung.

Người dân vào rừng phải khai báo thông tin cá nhân, lí do, mục đích rõ ràng
Người dân vào rừng phải khai báo thông tin cá nhân, lí do, mục đích rõ ràng

Thực hiện khai báo khi vào rừng

Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có 1.309ha rừng, trong đó có 79ha rừng tự nhiên, 1.230ha rừng trồng chủ yếu là thông, keo… dễ bén lửa khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao. Trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài, thị xã Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các phường bố trí 6 điểm chốt trực gác 24/24h tại các tuyến đường vào rừng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện và bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời cứu rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) Trần Tiến Hưng nói chắc nịch: Người vào ra rừng đều được kiểm soát chặt chẽ về thông tin cá nhân, mục đích vào rừng, những dụng cụ mang theo khi vào rừng… Ở nhiều khu vực, người dân không phận sự sẽ bị cấm vào rừng.

Ngược ra Nghệ An, câu chuyện "canh" lửa từ cửa rừng, đang được các đơn vị chức năng thực hiện quyết liệt. Đây đang là một trong những giải pháp an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) mùa nắng nóng.

Hàng loạt chốt chặn từ bìa rừng được thiết lập, hàng chục con người được cắt cử để túc trực, án ngữ 24/24h. Một người dân xã Nghi Lâm huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Chúng tôi thường xuyên vào rừng khai thác nhựa thông. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, mỗi khi vào rừng, chúng tôi đều phải qua chốt kiểm tra, khai báo thông tin cá nhân. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết nhằm PCCR hiệu quả.

Sổ trực rừng của xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu
Sổ trực rừng của xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu

Trong cuốn sổ trực rừng của lực lượng trực chốt đều yêu cầu phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích ra vào rừng và các dụng cụ mang theo khi vào rừng. Điều này giúp kiểm soát triệt để người ra vào và là tư liệu để cơ quan chức năng theo dõi, điều tra khi xảy ra sự cố về rừng. Chưa bao giờ, danh tính những người vào rừng lại được kiểm soát kĩ càng đến vậy.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, dân quân tự vệ xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu  thông tin, chốt canh gác được thành lập, trong khoảng thời gian cao điểm mùa nắng nóng từ ngày 17/5-17/9. Rồi chẳng cần tra sổ trực, ông Thuận vẫn kể rành rẽ: “Mỗi ngày có khoảng hơn 20 lượt người dân ra vào rừng, chủ yếu là đi chăm sóc trại và khai thác nhựa thông. Mỗi người đi qua chốt, chúng tôi đều nhắc nhở họ không được mang lửa vào rừng, đồng thời nâng cao ý thức PCCR. Từ sổ trực rừng, việc truy vết khi có sự cố cháy rừng sẽ tốt hơn. Nhưng hơn hết, khi thông tin được khai báo đầy đủ tại cửa rừng, sẽ khiến nhiều người e dè hơn”.

Để những cánh rừng không bén lửa, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã tham mưu chỉ đạo duy trì lực lượng thường trực, thông tin cảnh báo cháy rừng 24/24h từ tháng 4. “Những vùng rừng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao, đơn vị đã đề xuất với các địa phương bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng để kiểm soát tốt các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng”, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Bạch Quốc Dũng, đã nói vậy khi bàn về những giải pháp giữ rừng mùa nắng.

Kiểm tra PCCR ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
Kiểm tra PCCR ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị

Bám chốt suốt ngày đêm

Trung Bộ đang trải qua thời gian nắng nóng gay gắt và kéo dài. Độ ẩm thấp, nền nhiệt cao… đang là những nguy cơ đe dọa an nguy của những cánh rừng.

Thế nên, ngoài những tổ trực ở bìa rừng, nhiều đơn vị còn duy trì thêm tổ trực ở chòi canh lửa. Những điểm kiểm soát, chòi canh được xây dựng trên các đỉnh núi cao, nhằm bao quát được diện tích rừng trong phạm vi quản lý của chính quyền các địa phương, đơn vị. Và những nhân viên phụ trách chòi canh, đã thay nhau túc trực suốt ngày đêm vì màu xanh của rừng. Một công nhân phụ trách trực chòi canh tại xã Hòa Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An) tâm sự: 3 anh em chúng tôi thay nhau túc trực, chỉ cần một đám khói là có thể dễ dàng phát hiện được ngay và báo cáo xử lý ngay. Đang ở cao điểm của đợt nắng nóng, anh em trực chòi rất vất vả, nhưng mọi người đều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Để giữ rừng, nhiều địa phương ở Trung Bộ đã yêu cầu, chính quyền các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác bảo vệ rừng, PCCR. Ngoài vận động người dân ký cam kết thực hiện các quy định về PCCR, quản lý chặt việc đốt nương làm rẫy, nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng cách đốt lửa trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, cắt cử lực lượng bám vùng trọng điểm...; việc tổ chức trực rừng đang được duy trì ở mức rất cao.

Các lực lượng trực chốt tại cửa rừng
Các lực lượng trực chốt tại cửa rừng

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Việc trực rừng được thực hiện 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về cháy rừng. Các lực lượng liên quan, cũng được yêu cầu phải thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng sẵn sàng tham gia khi có cháy rừng xảy ra…

Song song với việc trực rừng, nhiều đơn vị ở Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch, phương án PCCR và phân ra 2 vùng trọng điểm dễ cháy rừng; trong đó vùng 1 là những điểm tham quan du lịch và vùng 2 gồm các khu công nghiệp khai thác đá xây dựng. Theo đó, các biện pháp hỗ trợ bên cạnh trực rừng cũng được thực hiện rất quyết liệt. Nhiều ha thực bì được xử lí, nhiều km đường băng cản lửa được duy tu, nhiều phương tiện, máy móc chuyển dụng phục vụ PCCR đã được kiểm tra, sửa chữa và sắm mới… đã cho thấy công tác PCCR đang rất chủ động, quyết liệt.

Một mùa nắng nóng đang về, nghề giữ rừng vốn đã lắm nỗi truân chuyên; nay càng thêm vất vả, khó nhọc khi phải túc trực suốt ngày đêm trên chốt. Những nỗ lực của các lực lượng đã giúp màu xanh của rừng thêm trải dài.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.