Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giữ hạng sao cho sản phẩm OCOP: Nguy cơ “chết yểu" (Bài 1)

Thúy Hồng - 20:00, 22/03/2023

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, theo thời gian, việc xây dựng sản phẩm OCOP cũng đã dần bộc lộ những yếu điểm, một số địa phương xây dựng theo kiểu phong trào, nhiều sản phẩm dù được công nhận nhưng vẫn chưa tới được đến tay người tiêu dùng, hoặc bị tụt hạng do chưa thật sự chất lượng...

Chương trình OCOP đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS và miền núi
Chương trình OCOP đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS và miền núi

Nhiều sản phẩm OCOP bị “tụt hạng”

Sau gần 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm, khẳng định được lợi thế của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, song song với những hiệu quả tích cực, thì nhiều sản phẩm dù đạt OCOP 4 sao, 5 sao lại mau chóng bị người tiêu dùng lãng quên, “chết yểu”;  thậm chí có sản phẩm biến mất khỏi thị trường. Điều đó khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn, đánh mất vị thế và niềm tin khách hàng bấy lâu dày công xây dựng. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chưa đa dạng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là áp dụng thương mại điện tử. Một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu, hoặc có dấu hiệu “hụt hơi”.

Ví dụ như sản phẩm bí xanh Tìa Dình ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm này có nguy cơ mất chuẩn do người dân không mặn mà với việc trồng bí. Nguyên nhân do khâu mở rộng sản xuất gặp  khó khăn nên khách hàng khó có thể mua, ngay cả khi bí đang trong vụ thu hoạch. Bởi bí chỉ trồng được trên nương đất mới, nhưng diện tích nương phát mới ít, công lao động cho việc trồng bí mất nhiều ngày hơn, chi phí lớn hơn trồng sắn truyền thống. 

Nhiều sản phẩm OCOP đang bị “tụt hạng”
Nhiều sản phẩm OCOP đang bị “tụt hạng”

Theo ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, trước đây, bản Tìa Dình 1 và Tìa Dình 2, là vùng trọng điểm trồng bí xanh của xã Tìa Dình, với diện tích 20 ha. Tuy nhiên, năm 2022, diện tích trồng bí của cả 2 bản giảm còn 10 ha. Năm 2022, toàn xã Tìa Dình gieo trồng 32,3/150 ha bí xanh chỉ đạt 21,53% kế hoạch UBND huyện giao.

Tại Lào Cai, từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, tỉnh đã phê duyệt 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ tổ chức đánh giá lại có một số sản phẩm phải thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP, một số sản phẩm OCOP sẽ bị tụt hạng sao… Cụ thể như, trong năm 2021 và 2022 có các sản phẩm gạo Séng cù Lương Sơn (Bảo Yên), dưa lưới, thịt chua Trường Phát (Bảo Thắng).

Nguyên nhân được xác định là, các sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của Chương trình OCOP, trong đó giải thể Hợp tác xã (HTX), không còn chủ thể (đối với gạo Séng cù Lương Sơn); dừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm và không có kế hoạch sản xuất lại (đối với dưa lưới, thịt chua Trường Phát)…

Ngoài ra, do dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua, cũng là nguyên nhân dẫn đứt gãy chuỗi vận chuyển, tiêu thụ khiến các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP không có tăng trưởng, hiệu quả thấp…

Ngoài nguyên nhân khách quan, thì có một số chủ thể sau khi có sản phẩm đạt OCOP, đã tự hài lòng với kết quả đạt được, không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường.

Theo ông Chu Hoàng Nguyện - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, việc thu hồi chứng nhận OCOP đối với những sản phẩm không đáp ứng tiêu chí đặt ra là rất bình thường, nhằm tạo công bằng cho các chủ thể, cũng như đánh giá đúng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, đó là việc làm bất đắc dĩ. Bởi mục tiêu của Chương trình OCOP đặt ra, là những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP sẽ phát triển tốt hơn.

Một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu
Một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu

Làm theo phong trào

Trước sự “nở rộ” Chương trình OCOP, thì còn có nỗi lo về đầu ra sản phẩm. Không ít các sản phẩm OCOP dù đạt các chứng nhận, nhưng vẫn loay hoay trong khâu tiêu thụ. Vấn đề này được chỉ ra là do hệ thống các chính sách, cơ chế nguồn lực, hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm chưa đồng bộ dẫn đến sự lúng túng, khó khăn cho các địa phương lẫn người dân.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ Chương trình OCOP, nhưng đã có không ít địa phương chạy theo phong trào, thành tích thông qua số lượng sản phẩm không ngừng tăng lên mà quên đi bản chất, giá trị thực của OCOP.

Minh chứng như tại Sơn La, một trong những địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và phát triển nông nghiệp, cũng là thế mạnh của địa phương này. Hiện nay, Sơn La đã có 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Đây là một điều đáng tự hào. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ rộng rãi và khẳng định giá trị riêng.

Ông Mai Đức Thịnh - Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu cho biết: Việc gắn thương hiệu OCOP cho một số sản phẩm vẫn chưa đúng bản chất, khiến các sản phẩm OCOP "vàng - thau" lẫn lộn. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách đạt sao như một tấm “hộ chiếu” thông hành cho sản phẩm, dẫn đến nhiều sản phẩm đã được gắn sao, được quảng bá rầm rộ, chạy theo phong trào, nhưng sức tiêu thụ rất thấp, khiến cho sản phẩm khó đứng vững trên thị trường.

“Nói đơn giản, một cô gái phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để đi thi hoa hậu thì mới nên tham dự cuộc thi. Một sản phẩm tham gia chương trình OCOP cũng vậy, phải bảo đảm các yếu tố chất lượng, uy tín, tính liên tục của sản phẩm thì hãy tham gia chương trình. Nếu chỉ chạy theo phong trào, sản phẩm không có chất lượng, không có tính liên tục thì sẽ khiến cho sản phẩm OCOP khó duy trì lâu dài”, ông Thịnh cho biết.

Không ít địa phương chạy theo phong trào, thành tích thông qua số lượng sản phẩm không ngừng tăng lên mà quên đi bản chất, giá trị thực của OCOP
Không ít địa phương chạy theo phong trào, thành tích thông qua số lượng sản phẩm không ngừng tăng lên mà quên đi bản chất, giá trị thực của OCOP

Bên cạnh chất lượng, thì khâu quảng bá và mẫu mã đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng thị trường sản phẩm OCOP. Thế nhưng, đó lại là “điểm liệt” trong lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP của các địa phương.

Ngay như đối với TP. Hà Nội¸ địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (1.649 sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều chủ thể OCOP gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Thực tế hiện nay, quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ. Sản phẩm tạo ra mới chủ yếu ở dạng thô. Do đó, chúng tôi đang xây dựng đề án đầu tư cho chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm.

Từ thực tế triển khai chương trình OCOP hiện nay, các địa phương và chủ thể OCOP cần nhìn nhận rằng, chứng nhận OCOP không phải một “kim bài” bảo chứng lâu dài cho bất kỳ sản phẩm nào. Suy cho cùng, khách hàng mua sản phẩm vẫn vì giá trị cốt lõi là chất lượng. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.