Thực hiện dự án di dân tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4, tỉnh Quảng Nam đã tái định cư cho 1.749 hộ với 8.450 nhân khẩu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng thực hiện quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định cho hàng ngàn hộ dân chuyển đến nơi ở an toàn, có điều kiện sinh sống tốt hơn.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, việc quy hoạch, sắp xếp dân cư ở các huyện miền núi phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, xã hội của từng địa bàn. Cuộc sống của dân làng luôn gắn bó với rừng. Rừng không chỉ mang lại cho họ sự sống, sinh kế, sinh lợi của người dân mà rừng còn là cội nguồn văn hóa. Do đó, khi chọn nơi tái định cư cho đồng bào miền núi phải chọn nơi phù hợp với tập quán của đồng bào, không thể tách dân ra khỏi rừng.
Thực tế cho thấy, người dân ở một số vùng tái định cư theo mô hình hiện đại đã bỏ làng mới trở về nơi cũ gắn bó với đời sống của họ. Rừng và nước đầu nguồn, là yếu tố quan trọng hàng đầu để bà con lựa chọn địa điểm lập làng. Tất cả sinh hoạt của người dân đều gắn liền với khe suối và gắn liền với những kiêng kỵ, nghi lễ quan trọng đối với nước. Các làng khi tái định cư bố trí xa nguồn nước, thay vào đó là hệ thống nước tự chảy, nhưng vào mùa khô thường xuyên thiếu nước nên người dân phải vất vả đi cõng nước ở những con suối rất xa.
Kiến trúc nhà cửa là sáng tạo văn hóa vật chất quan trọng của cộng đồng quan hệ chặt chẽ đến chất lượng sống, không gian sinh tồn, sinh hoạt văn hóa của đồng bào. Kiến trúc nhà cửa gắn với quy hoạch làng bản, xây dựng mô hình nông thôn mới, giữ gìn di sản kiến trúc. Bên cạnh ngôi nhà mới, đồng bào thường xây dựng nhà sàn dùng làm bếp, mọi sinh hoạt hằng ngày của các thành viên đều xoay quanh không gian này.
Trên địa bàn Tây Giang, một số ngôi làng tái định cư nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn cấu trúc hình bầu dục với ngôi nhà làng (gươl), nhà ở (đong). Ở làng Pơr Ning, Xã Lăng, là một mô hình quy hoạch tiêu biểu kết hợp giữa cái cũ và cái mới trong không gian sống của đồng bào. Những ngôi nhà sàn ở vòng trong, có khoảng sân trước nhà gươl, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng; nhà kiên cố, vách gỗ mái tôn được bố trí vòng ngoài, tạo thành lớp nhà mới xung quanh lớp nhà cũ. Với lối kiến trúc này đã giữ được nét đẹp của ngôi làng truyền thống.
Giữ gìn vốn cũ thuộc tinh hoa trong di sản nhân văn của đồng bào, là công việc ưu tiên hàng đầu trong công tác sắp xếp, bố trí dân cư, xây dựng nông thôn mới. Tái định cư không tách rời truyền thống văn hóa nhằm kết nối và tạo động lực cho sự phát triển tập trung của từng khu vực. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là yếu tố giúp cho đồng bào miền núi vững bước trên đôi chân của mình; khắc phục những bất cập, hậu quả dẫn đến sự mai một và phá vỡ cấu trúc làng truyền thống. Nhờ quan điểm này mà nhiều địa bàn miền núi Quảng Nam đã hình thành khu dân cư hợp lý, được sự đồng thuận của người dân, xây dựng điểm tái định cư an toàn, bền vững.
Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ là yếu tố giúp cho đồng bào miền núi vững bước trên đôi chân của mình, khắc phục những bất cập, hậu quả dẫn đến sự mai một và phá vỡ cấu trúc làng truyền thống. Nhờ vậy mà nhiều địa bàn miền núi Quảng Nam đã hình thành khu dân cư hợp lý, được sự đồng thuận của người dân, xây dựng điểm tái định cư an toàn, bền vững.