Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Gieo chữ” trong mây

Song An - 21:22, 17/05/2023

Nằm chênh vênh trên đỉnh núi Pơ Mu hùng vĩ, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống của đồng bào Mông, quanh năm giá rét và sương mù phủ kín. Thế nhưng, giữa bốn bề gian khó, “con chữ” vẫn âm thầm nảy mầm xanh tươi…

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông luyện chữ cho học sinh.
Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học - THCS Tênh Phông luyện chữ cho học sinh

“Cái chữ” giúp đổi đời!

Theo chân cô giáo Hoàng Thị Thịnh, Trường PTDT Bán trú Tiểu học - THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) tới thăm nhà học trò cũ. Vừa nghe tiếng xe đỗ trước cửa, chàng thanh niên Mùa A Thụ, bản Ten Hon đã vội vã bước ra, cất tiếng chào lớn: “Cô giáo tới thăm em đó ạ? Ở lại ăn cơm cùng gia đình nhé!”.

Thụ là học trò ngoan của cô giáo Thịnh từ vài năm trước. Học hết lớp 12, Thụ đi lính. Sau khi xuất ngũ, Thụ trở về nhà lấy vợ, giúp bố mẹ làm kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Hôm rồi, cô Thịnh nghe tin vợ chồng Thụ sinh con đầu lòng, nên sắp xếp lịch tới thăm.

Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được biết, nhà Thụ có tới 7 anh chị em. Các anh, chị trước của Thụ đều hoàn thành chương trình phổ thông. Hiện còn 1 em út đang theo học Đại học Y. Cũng bởi được học hành, nên mặc dù khó khăn, song các anh chị của Thụ đều có công việc, nghề nghiệp ổn định.

Riêng Thụ, trong suốt hành trình trên ghế nhà trường, nhiều lần đã từng có ý định bỏ học đi làm thuê. Thụ bảo, mỗi lúc như vậy, cô Thịnh đều tâm sự, động viên và tìm cách tháo gỡ khó khăn để em tiếp tục đến trường.

Cao điểm nhất là năm vừa học hết lớp 9, Thụ bỏ học về xuôi đi làm thuê. Mặc dù không còn dạy nữa, nhưng cô Thịnh liên tục gọi điện, rồi nhắn tin khuyên bảo em cố gắng về học tiếp phổ thông hoặc chí ít là học nghề thì mới có tương lai.

Còn theo lời bố của Thụ - ông Mùa Chứ Dầy tâm sự, thì trước kia, ông cũng không đánh giá cao việc đi học. Bởi đời ông, rồi đời cha ông vẫn mù chữ, sống nhờ cây ngô, cây lúa. Nhưng nhiều lần được thầy cô vận động, rồi chính Chủ tịch UBND xã đến nhà giảng giải thì ông hiểu, xã hội bây giờ phát triển, bọn trẻ cần được học để không bị tụt lùi. Xa hơn là phấn đấu đi làm cán bộ hoặc có kiến thức phát triển kinh tế, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.

Học sinh Tênh Phông đi bộ đến trường trong làn mây mù.
Học sinh Tênh Phông đi bộ đến trường trong làn mây mù.

Thầy cô không đơn độc

Nằm trên dãy Pơ Mu, ở độ cao trung bình từ 1.200 - 1.800 m so với mực nước biển, nên xã Tênh Phông quanh năm mây mù bao phủ. Hành trình gieo chữ của giáo viên ở đây bởi vậy cũng nhiều gian truân. Thế nhưng, theo như lời chia sẻ của thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học - THCS Tênh Phông thì “thầy cô không hề đơn độc”.

“Tôi mới về trường nhận nhiệm vụ được 2 năm nay nên hiểu rất rõ sự khác biệt. Phải nói, so với những địa bàn tôi từng giảng dạy, chưa nơi nào ý thức về việc học của người dân tốt như ở đây. Giáo viên nhà trường chia sẻ, nhiều năm nay đã không còn phải lo lắng về sĩ số nữa. Việc vận động học sinh ra lớp cũng thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Hà bộc bạch.

Cũng theo lời kể của thầy Hà, thì đầu mỗi năm học, giáo viên nhà trường chỉ tổ chức đến nhà học sinh 1 lần để thông báo lịch tới trường và kế hoạch học tập. Đến ngày nhập học là phụ huynh tự giác đưa con em ra lớp. Để có được kết quả đó, vai trò đóng góp không nhỏ là từ chính quyền địa phương.

Theo đó, UBND xã thành lập riêng một Ban vận động học sinh ra lớp. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm Trưởng ban. Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh là Phó Chủ tịch UBND xã, do có con theo học trong trường.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Dụa, thì mới đầu năm học vừa qua, nhà trường và các đoàn thể xã đã vận động thành công một gia đình cho con tiếp tục đến lớp. Được biết, gia đình này có 6 người con, 3 con trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, với lý do đường xa, không có người đưa đến trường nên gia đình cho con ở nhà.

Ông Dụa Kể: “Khu vực hộ này ở biệt lập trong rừng sâu, không có sóng nên không thể liên lạc qua điện thoại được. Chúng tôi phải đi xe máy hơn chục km, rồi đi bộ xuyên rừng thêm 8 km nữa mới tới nơi. Cả ngày trời để đi, rồi thuyết phục, chờ đợi… Phải nói là hết sức kiên trì”.

Những trường hợp như trên không phải hiếm ở Tênh Phông. Mặc dù dân cư chỉ vỏn vẹn hơn 300 hộ, với trên 1.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, theo ông Dụa thì bà con sống rải rác ở khắp các triền đồi, sườn núi. Bản xa nhất cách trung tâm vài chục km, có nhóm dân cư thậm chí cách điểm bản gần chục km đường rừng. Vì thế việc đi lại hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian. “Thế nhưng chỉ cần thấy bọn trẻ được đi học đều là chúng tôi yên tâm”, ông Dụa giãi bày.

Không chỉ duy trì đi học chuyên cần, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi hằng năm của xã cũng tương đối cao. Năm học 2019 - 2020, toàn xã có 50% học sinh khá, giỏi. Năm 2020 - 2021, trên 62% và năm học 2021 - 2022, tỷ lệ này là trên 60%.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.