Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Gieo chữ" ở vùng cao Phú Mỡ

T.Nhân-H.Trường - 07:16, 20/11/2024

Chúng tôi về thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vào một buổi sớm mai giữa tháng 11, cơn mưa phùn lất phất làm cho tiết trời thêm se lạnh. Nhiều người lớn vẫn đang quây quần bên bếp lửa chờ nắng lên để ra nương rẫy, thì tại các điểm trường, học sinh đã đến lớp đầy đủ. Để tạo được nề nếp học tập như thế ở những điểm trường vùng cao, là một điều không phải dễ dàng...

Các em học sinh ở điểm trường Phú Hải đến trường khi trời còn hơi sương
Các em học sinh ở điểm trường Phú Hải đến trường khi trời còn hơi sương

Băng rừng, lội suối đi dạy học

Ở vùng cao, để đến lớp dạy chữ cho học trò, nhiều giáo viên phải băng rừng, lội suối, không quản hiểm nguy. Song bằng tình yêu nghề, các thầy, cô đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”, thắp sáng lên ánh lửa tri thức, vun đắp tương lai tươi sáng hơn cho học sinh vùng cao. Có về thôn Phú Hải những ngày mưa, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi cơ cực của giáo viên nơi đây.

Xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân nằm giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, chủ yếu là người Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm) sinh sống. Nếu Phú Mỡ được xem là là xã cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên, thì Phú Hải là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Phú Mỡ hơn 10km. Con đường dẫn đến thôn Phú Hải vẫn là đường đất, băng qua những cánh rừng già, có đoạn dốc đứng và những con suối chảy xiết.

Điểm trường Phú Hải hiện có tổng cộng 36 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, hầu hết là con em đồng bào Chăm Hroi. Trong đó, có lớp chỉ vỏn vẹn 4 học sinh, có lớp phải thực hiện ghép để đảm bảo chương trình giảng dạy. 

Trường hiện có 5 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên miền xuôi ở nội trú tại trường. Hằng tuần, các thầy, cô giáo băng rừng hơn 10km để đến điểm trường. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn gắn bó, yêu nghề, quan tâm chăm sóc và giảng dạy cho các em học sinh.

Thầy giáo Trần Văn Dương cẩn thận uốn nắn từng nét chữ cho học sinh lớp 1
Thầy giáo Trần Văn Dương cẩn thận uốn nắn từng nét chữ cho học sinh lớp 1

Công tác tại điểm trường Phú Hải (thuộc Trường Tiểu học Phú Mỡ) gần 15 năm, thầy giáo Trần Văn Dương (sinh năm 1963) được nhiều thế hệ học sinh và người dân nơi đây yêu mến, kính trọng. Đảm nhận giảng dạy các em học sinh lớp 1, thầy Dương ân cần uốn nắn cho các em từng con chữ, cách đánh vần trong mỗi câu văn, bài thơ.

Thầy giáo Trần Văn Dương cho hay: Điều kiện dạy và học ở đây rất khó khăn. Tôi đã công tác nhiều năm nên đã quen rồi. Còn những thầy, cô trẻ phải xa nhà và đi lại vất vả nên tôi quan tâm giúp đỡ, động viên cho nhiều thế hệ giáo viên trẻ yên tâm công tác.

Thầy giáo Phùng Quang Thành (sinh năm 1974) công tác trong ngành Giáo dục tiểu học đã 25 năm, trong đó có hơn 4 năm gắn bó tại điểm trường Phú Hải. Thầy Thành chia sẻ: Những năm gần đây, cuộc sống của bà con vùng cao xã Phú Mỡ có nhiều đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, đường sá đi lại vẫn còn bất tiện. Mùa nắng thì đỡ hơn chứ mùa mưa thì rất vất vả. Nhiều bữa đường lầy lội, đến được trường thì quần áo lấm lem, không khác gì đi cày ruộng.

Thầy giáo Phùng Quang Thành luôn coi các em học sinh như con của mình
Thầy giáo Phùng Quang Thành luôn coi các em học sinh như con của mình

Gắn bó vì yêu thương

Có thể nói, với điều kiện khó khăn như vậy, nếu không có tình yêu nghề và tấm lòng đối với con trẻ thì các thầy, cô rất khó để gắn bó lâu dài. Thầy Dương tâm sự: Dù cuộc sống của giáo viên điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng tình thương với các em học sinh miền núi đã giúp tôi vượt qua và gắn bó nhiều năm nơi đây. 

Được biết, chỉ còn vài năm là đến tuổi nghỉ hưu nhưng thầy Dương vẫn quyết tâm ở lại "gieo chữ" và gieo hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho các thế hệ học trò. Thầy Dương bảo, xem học sinh như con em của mình, mong muốn các em có cuộc sống tốt hơn và trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Ngoài giờ học chính thức, cô Nguyễn Thị Kim Trinh còn dành thời gian kèm riêng cho học sinh
Ngoài giờ học chính thức, cô Nguyễn Thị Kim Trinh còn dành thời gian kèm riêng cho học sinh

Cùng chia sẻ về sự học nơi vùng khó, thầy Phùng Quang Thành trải lòng: Phải vật lộn với quãng đường 10km lầy lội, trơn trượt, nhiều khi cũng thấy nản lòng. Nhưng nghĩ đến chuyện học hành của con em đồng bào DTTS còn thua thiệt với những nơi khác, mình cảm thấy thương và càng quyết tâm gắn bó.

“Do trình độ chênh lệch cao so với học sinh miền xuôi, chúng tôi phải tích cực tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp. Ngôn ngữ cũng là rào cản lớn nên các thầy, cô phải cùng ăn, cùng ở, cùng sống với buôn làng để thành thạo tiếng địa phương, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân”, thầy Thành cho hay.

Còn cô Nguyễn Thị Kim Trinh (sinh năm 1976), chia sẻ: Học sinh vùng cao học tập rất khó khăn. Do vậy, ngoài giờ giảng dạy chính trên lớp, các thầy, cô còn chọn những em học yếu để kèm riêng. Niềm vui của các thầy, cô giáo là tất cả các em có kiến thức vững vàng ở cấp tiểu học để tiếp tục con đường học tập ở những cấp học tiếp theo.

Bữa ăn đạm bạc của các thầy, cô giáo điểm trường Phú Hải
Bữa ăn đạm bạc của các thầy, cô giáo điểm trường Phú Hải

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Ngọc Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỡ cho biết: Điểm trường Phú Hải cùng với điểm trường Làng Đồng (thôn Phú Đồng), là hai điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Nhà trường. Các thầy, cô giáo giảng dạy tại các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất và các trang thiết bị giảng dạy. 

Tuy nhiên, nhiều thầy, cô giáo vẫn công tác lâu năm và xin gắn bó với điểm trường. Một số cô giáo lớn tuổi, khi được phân công đứng lớp tại đây luôn vui vẻ nhận công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự tận tình của các thầy cô giáo, hầu hết học sinh ở điểm trường Phú Hải đều có kết quả học tập tốt, đáp ứng yêu cầu.

“Với trách nhiệm cao cả của nghề giáo, các thầy, cô giáo nơi đây luôn quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ đến học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui của lãnh đạo và giáo viên Nhà trường là chất lượng học tập của các em học sinh miền núi ngày càng được nâng cao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, tôi tin rằng những đứa trẻ nơi đây sẽ có một tương lai tươi sang hơn”, thầy Hoà chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, góp phần thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi Chi Lăng

Sau gần 4 năm huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng về kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện.