Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào Top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Varkey Foudation lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc. Trước đó, tháng 3/2020, cô là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.
Cô Phượng người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Trường Đại học Hà Nội. Năm 2016, Hà Ánh Phượng được tuyển đặc cách vào Trường Trung học Phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - một ngôi trường miền núi với 85% học sinh người dân tộc thiểu số.
Luôn tâm niệm "Anh ngữ là sinh ngữ", học ngoại ngữ phải có môi trường mới hiệu quả, cô Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí.
Sau khi được vinh danh trong Top 50 giáo viên xuất sắc, cô giáo trẻ vẫn tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu, cùng giáo viên ở khắp nơi trên thế giới hỗ trợ, chia sẻ thông tin lẫn nhau qua mạng internet.
Bên cạnh đó, cô Phượng còn tham gia vào việc dạy học trên truyền hình, hỗ trợ đồng nghiệp dạy học online trong thời điểm dịch COVID-19. Cô trở thành người truyền cảm hứng về ứng dụng công nghệ thông tin khi thường xuyên đi giới thiệu mô hình “Lớp học xuyên biên giới” để nhiều giáo viên khác tại các địa phương cũng có thể thực hiện được.
Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu, được hình thành năm 2010 bởi doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey, người sáng lập GEMS Education - đơn vị điều hành lớn nhất thế giới về các trường từ mẫu giáo đến lớp 12. Quỹ hướng tới mục tiêu xây dựng địa vị của giáo viên, tôn vinh nghề nghiệp, hướng đến một nền giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban Tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia. Từ Top 10, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc để trao giải thưởng trị giá một triệu USD.
Năm 2019, Giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đoạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy, Trường Trung học Phổ thông Đức Hợp (Hưng Yên) vào Top 50.