Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk những ngày cuối tháng 2, chúng tôi chứng kiến nhiều em học sinh đến thăm quan học tập. Em Y Phôn, học sinh lớp 7 trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột hào hứng kể, ngay từ khi học cấp 1 em đã được cùng các bạn trong trường đến thăm quan bảo tàng. Từ đó, em vẫn thường xuyên xin bố mẹ đến đây. Trong những ngày đầu xuân này, em lại cùng các bạn trong khu phố đến đây để thăm quan. Những hiện vật sống động trong bảo tàng đã giúp em hiểu thêm về văn hóa của cha ông mình.
Em H’ Nga, học sinh Trường tiểu học Lê Đình Chinh, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar cho biết, đây là lần đầu tiên em được cô giáo đưa đến Bảo tàng Đăk Lăk. Em thấy rất thích thú khi được các cô hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của từng hiện vật trong đời sống của người Ê-đê được trưng bày tại Bảo tàng.
Theo bà H’Loan Adrơng, Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk, những năm gần đây, lượng khách thăm quan là đối tượng học sinh đến Bảo tàng ngày càng tăng. Để có được kết quả này, ngay từ năm 2008, Bảo tàng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có nội dung “Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương”.
Theo đó, Bảo tàng đã gửi công văn đến các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên để thông tin về ý nghĩa, mục đích, chương trình kết nối cho các em học sinh tham gia các hoạt động mang tính giáo dục; đặc biệt Bảo tàng sẽ thiết kế chương trình phù hợp, giảm giá vé hoặc miễn phí cho học sinh khi thăm quan.
Nhằm thu hút các em học sinh, cán bộ Bảo tàng đã xây dựng, thiết kế các chương trình thăm quan cho các em vừa đảm bảo được nhiệm vụ học tập, vừa kết hợp với việc vui chơi, giải trí lành mạnh phù hợp với lứa tuổi.
Ví dụ như, với các em học sinh mầm non, hướng dẫn viên sẽ nói rất ít, chủ yếu cho các em nhận biết các hiện vật và tăng cường cho các em tham gia các trò chơi đơn giản. Còn đối với học sinh THPT, hướng dẫn viên sẽ nói rất kỹ về các hiện vật, đồng thời tăng cường các câu hỏi tương tác để các em chủ động tham gia tìm hiểu trả lời.
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn mời các nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân tiêu biểu tới để biểu diễn trực tiếp nói chuyện với học sinh; tổ chức trưng bày lưu động theo các chuyên đề tại các trường học nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Với những cách làm này, ngay từ năm 2008, Bảo tàng đã thu hút được hơn 5.000 lượt khách từ chương trình.
Năm 2016, Bảo tàng đã phục vụ được 115 đoàn với gần 9000 lượt học sinh. Không chỉ tham gia thăm quan học tập, học sinh còn tham gia vệ sinh, chăm sóc bảo tàng góp phần làm tăng ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích ngày một xanh sạch đẹp.
Ngoài việc chủ động tiếp các đoàn học sinh, năm 2016, Bảo tàng đã sưu tầm biên soạn và dạy chữ Ê-đê cho con em đồng bào Ê đê ở huyện Krông Ana.
Có thể thấy, việc chủ động cùng với các trường học trên địa bàn tạo ra “sân chơi” lành mạnh ý nghĩa, và rất quan trọng trong việc giúp các em học sinh hiểu biết và thêm yêu văn hóa dân tộc ngay từ nhỏ của Bảo tàng Đăk Lăk, là một cách làm hay, ý nghĩa cần được nhân rộng.
HIẾU ANH