Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Phụ nữ chung tay đẩy lùi tảo hôn (Bài cuối)

Văn Hoa - Vũ Hường - 13:58, 11/11/2024

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong cuộc sống gia đình; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT).

“Diễn đàn trẻ em” tại điểm trường Tiểu học và THCS Trung Bì. Các em học sinh đã mạnh dạn thuyết trình về các vấn đề xảy ra xung quanh như: tình trạng học sinh yêu sớm, mang thai sớm, tảo hôn…
“Diễn đàn trẻ em” tại điểm trường Tiểu học và THCS Trung Bì. Các em học sinh đã mạnh dạn thuyết trình về các vấn đề xảy ra như: tình trạng học sinh yêu sớm, mang thai sớm, tảo hôn…

Trách nhiệm của mỗi hội viên phụ nữ

Xóm Cầu, xã Hùng Sơn có 176 hộ, chủ yếu người dân tộc Mường. Nhiều năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên xóm Cầu không phát hiện trường hợp nào tảo hôn. Thế nhưng, năm 2024, đã có 1 trường hợp nữ tảo hôn khi chỉ mới 16 tuổi và đang đi học.

Chị Bùi Thị Mai Xuân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, kiêm Cộng tác viên dân số và Y tế thôn bản xóm Cầu cho biết: Những năm qua, Chi hội phụ nữ đã luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân và đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều năm liền không có trường hợp nào tảo hôn, song năm nay chỉ vì 1 trường hợp tảo hôn khiến Chi hội không đạt được mục tiêu đề ra.

Chị Mai Xuân cũng nhấn mạnh, Chi hội phụ nữ xóm Cầu có 84 thành viên. Khi nắm được thông tin trường hợp tảo hôn, Chi hội đã phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Tổ hòa giải xóm nhiều lần đến tuyên truyền, vận động nhưng không được, gia đình vẫn cố tổ chức lễ cưới vì họ nói, theo phong tục cưới bên âm của người Dao. Dù là người cùng xóm, thế nhưng, các thành viên trong Ban quản lý xóm đã thống nhất không ai tham dự lễ cưới đó.

Chi hội trưởng Bùi Thị Mai Xuân cho biết, những năm gần đây, Chi hội phụ nữ xóm đã rất tích cực tuyên truyền phòng chống TH-HNCHT, lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp, sinh hoạt của Chi hội; Chi hội mời Ban công tác dân số của xã đến truyền thông; khi có những bài tuyên truyền về TH-HNCHT thì đưa bài lên nhóm zalo của xóm, nhóm zalo Chi hội phụ nữ xóm để từ đó mọi hội viên phụ nữ, mọi thành viên trong xóm đều nắm được.

Để không còn trường hợp nào tảo hôn, với trách nhiệm của mình, chị Mai Xuân khẳng định, trong thời gian tới, chị sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là trong các cuộc họp chi hội, thôn xóm…

Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kết hợp tuyên truyền về tảo hôn khá hiệu quả được huyện Kim Bôi triển khai tổ chức
Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kết hợp tuyên truyền về tảo hôn khá hiệu quả được huyện Kim Bôi triển khai tổ chức

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Bà Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Hùng Sơn cho biết, xã Hùng Sơn có 12 Chi hội phụ nữ, trên 1300 hội viên, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 95%, chủ yếu là người Mường và người Dao.

Những năm qua, Hội LHPN xã Hùng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống TH-HNCH cho các hội viên phụ nữ bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền trong dịp sinh hoạt của tổ, hội; đưa nội dung này vào các phong trào thi đua, trong các tiêu chí thi đua cấp chi hội hằng năm để từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi hội viên trong Chi hội trong việc tuyên truyền đến người thân, gia đình, làng xóm; … Khi phát hiện những trường hợp sắp tảo hôn, chị em trong Chi hội sẽ đến trực tiếp gia đình tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, nhận thức của các hội viên phụ nữ, của người dân cũng thay đổi rõ rệt.

Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng hơn như tổ chức giao lưu sân khấu hóa, xây dựng các tiểu phẩm về phòng chống TH-HNCHT để Nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu và hiệu quả trong công tác tuyên truyền sẽ cao hơn.

Hôi LHPN huyện Kim Bôi tổ chức Tọa đàm về vai trò của vai trò của Hội viên phụ nữ trong phòng chống bạo lựu gia đình, xóa bỏ các hủ tục có hại...
Hôi LHPN huyện Kim Bôi tổ chức Tọa đàm về vai trò của hội viên phụ nữ trong phòng chống bạo lựu gia đình, xóa bỏ các hủ tục có hại...

Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình đã khá thành công tại các địa phương như: mô hình “5 không 3 sạch”; mô hình “Câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc”, “CLB chiêng mường”; mô hình “Thu gom phân loại rác thải nhựa tái chế” , mô hình “Ngôi nhà xanh”… giúp bảo vệ môi trường. Qua các mô hình giúp các chị em phụ nữ được giao lưu học hỏi lẫn nhau, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp và cũng từ đó tác động tích cực đến công tác phòng, chống TH-HNCHT trong các chi hội.

Hoạt động của Dự án 8 về phòng, chống TH- HNCHT

Để ngăn chặn vấn nạn TH-HNCHT, những năm qua, Hội LHPN huyện Kim Bôi đã thành lập các mô hình CLB, như: CLB gia đình hạnh phúc, phụ nữ với pháp luật, không sinh con thứ 3… ở các xóm. Các CLB tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, hội viên, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa được phổ biến, giáo dục pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, các nội dung liên quan đến TH&HNCHT.

Năm 2022, để thực hiện các chỉ tiêu của Dự án 8, về giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Hội LHPN huyện Kim Bôi xây dựng kế hoạch và phối hợp Hội LHPN 14 xã thực hiện dự án, thành lập 14 mô hình điểm Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ). Tuy mới đi vào hoạt động, song, các tổ luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân; qua đó, bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huyện Kim Bôi đã xóa được tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn giảm đáng kể
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huyện Kim Bôi đã xóa được tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn giảm đáng kể

Theo bà Quách Thị Điểm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Bôi, từ mô hình điểm của huyện, Hội LHPN các huyện đã nhân rộng thành lập các mô hình Tổ TTCĐ theo chỉ tiêu đã được phân bổ. Tính đến nay toàn huyện đã thành lập được 73 mô hình Tổ TTCĐ (đạt chỉ tiêu đến năm 2025 Hội LHPN tỉnh giao) có 732 thành viên tham gia, gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn/xóm, Công an viên, Y tế thôn bản, Chi hội trưởng phụ nữ, Cựu Chiến binh, Đoàn thanh niên, Người có uy tín trong cộng đồng. Trong đó, đồng chí Bí thư Chi bộ/Trưởng thôn, xóm là Tổ trưởng đóng vai trò nòng cốt. Đây là những người có trách nhiệm, có khả năng kết nối, phân công công việc cho các thành viên khác.

Riêng trong năm 2023, huyện đã tổ chức 01 hội thi, 11 đêm giao lưu tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống TH-HNCHT với gần 13.000 người tham gia. Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã tăng cường tập huấn hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai Tổ TTCĐ cho cấp xã, các thành viên mô hình Tổ TTCĐ; hướng dẫn truyền thông trên nền tảng số nhằm chia sẻ, lan tỏa hoạt động của các Tổ truyền thông; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp xã triển khai Tổ truyền thông đạt hiệu quả.

Các cấp Hội LHPN huyện Kim Bôi đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, về TH-HNCHT đến hội viên phụ nữ và người dân. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi, hội thảo, tuyên truyền trên mạng xã hội như Website, Fanpage, Zalo, Facebook của Hội; đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản...

Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp thiết thực, các cấp Hội LHPN huyện Kim Bôi đã góp sức cùng cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành chung tay kéo giảm đáng kể số trường hợp tảo hôn trên địa bàn, và hiện không có trường hợp HNCHT.

Năm 2015, toàn tỉnh Hòa Bình có 516 trường hợp tảo hôn, trong đó cao nhất là huyện Kim Bôi 125 trường hợp; năm 2017, toàn tỉnh có 399 trường hợp, cao nhất vẫn là huyện Kim Bôi 89 trường hợp. Trước thực trạng này, cả hệ thống chính trị huyện Kim Bôi đã vào cuộc bằng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Hiện nay huyện Kim Bôi không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, huyện Kim Bôi còn có 12 trường hợp tảo hôn; năm 2022 là 16 trường hợp; năm 2023 là 16 trường hợp; năm 2024 có 7 trường hợp.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.