Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giảm rủi ro cho lao động phi chính thức: Phải bắt đầu từ chính sách về lao động

Sỹ Hào - 09:12, 15/04/2020

Lao động (LĐ) phi chính thức là lực lượng dễ bị tổn thương nhất khi không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian làm việc nhiều nhưng lương lại rất thấp… Điều này đòi hỏi cần ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan.

Việc hỗ trợ cho lao động tự do sẽ khó khăn vì khó thống kê danh sách. (Ảnh minh họa)
Việc hỗ trợ cho lao động tự do sẽ khó khăn vì khó thống kê danh sách. (Ảnh minh họa)

Nhiều rủi ro

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) về tình hình LĐ, việc làm năm 2019, cả nước có khoảng 17,6 triệu người là LĐ tham gia vào nền kinh tế phi chính thức. Đây là nhóm LĐ yếu thế, công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình BHXH nào; đại đa số sống ở khu vực nông thôn.

Số liệu của TCTK cho thấy, tiền lương bình quân tháng của LĐ chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng; còn của LĐ phi chính thức chỉ được khoảng 4,4 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp nhưng số giờ làm việc của LĐ phi chính thức nhiều hơn LĐ chính thức. 

Cụ thể, theo TCTK, số giờ làm việc bình quân của cả nước năm 2019 là 45,3 giờ/tuần/LĐ, nhưng rất nhiều LĐ phi chính thức phải làm việc trên 48 giờ/tuần. Cá biệt, có tới 27,2% LĐ phi chính thức làm việc 48 - 59 giờ/tuần; có khoảng 8,9% LĐ làm việc trên 60 giờ/tuần.

Thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, LĐ phi chính thức còn đối diện với nhiều rủi ro khác, khi 97,9% LĐ phi chính thức không có BHXH. Đối với LĐ phi chính thức làm công ăn lương (làm thuê hộ gia đình, bán hàng, bảo vệ…), theo rà soát của TCTK, trong tổng số khoảng 9,6 triệu người hiện có thì có tới 76,7% LĐ làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm. 

Số liệu của TCTK cũng cho thấy, LĐ phi chính thức rất khó thay đổi việc làm mới cho thu nhập cao hơn, khi mà đại đa số LĐ đều chưa qua đào tạo. Theo thống kê, trong 29,2 triệu LĐ phi chính thức hiện nay, chỉ có khoảng 14,8% LĐ đã được đào tạo.

Cần có giải pháp dài hạn

Những thiệt thòi mà LĐ phi chính thức đang phải gánh chịu không phải bây giờ mới được nhắc đến. Khi bàn về nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã từng khuyến nghị, do việc làm không thường xuyên, thu nhập thấp, ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề, nên LĐ phi chính thức rất dễ bị tổn thương, nhất là khi xảy ra các biến cố.

Tác động của đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình. Dự kiến cả nước sẽ có 20 triệu LĐ bị mất việc, không có hoặc bị giảm thu nhập, chủ yếu là LĐ phi chính thức.

Theo Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành, LĐ phi chính thức sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 4 - 6/2020). Với 3 triệu đồng được hỗ trợ trong đợt này, LĐ phi chính thức bị mất việc, không có thu nhập, sẽ bớt đi một phần khó khăn. 

Nhưng để “không bỏ ai lại phía sau” thì việc các địa phương cần làm lúc này là thống kê, lên danh sách chính xác, để ai mất việc cũng được hưởng chính sách. Đây là vấn đề không hề dễ, bởi trong tổng số LĐ phi chính thức hiện nay trên cả nước có đến 62,1% LĐ làm việc theo thỏa thuận miệng và 14,6% LĐ làm việc mà không có bất cứ một thỏa thuận nào. 

Vậy, các địa phương sẽ căn cứ vào đâu để xác định những LĐ này bị mất việc để thực hiện hỗ trợ? Trong khi đó, việc triển khai gói hỗ trợ đang được yêu cầu phải giải quyết nhanh, ngay trong lúc cần thiết, cấp bách, nhưng phải đúng đối tượng. 

Dù khó nhưng là việc mà các địa phương phải gấp rút triển khai, vì đây là an sinh xã hội cấp thiết. Nhưng đây cũng là trước mắt; về lâu dài, cách hỗ trợ bền vững nhất cho LĐ phi chính thức chính là tạo việc làm chính thức, trước hết là giúp doanh nghiệp tồn tại, sản xuất. Cùng với đó, là thắt chặt các chính sách liên quan đến thực hiện nghĩa vụ về phúc lợi cho người LĐ của doanh nghiệp. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về LĐ bảo đảm tất cả LĐ đều có hợp đồng chính thức, được hưởng các quyền lợi theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.