Đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Sóc Trăng là tỉnh có tới 36% đồng bào DTTS sinh sống, đông nhất khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trong vùng, nhất là các dự án giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã đồng bào DTTS. Trong đó, riêng tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn là hơn 605 tỷ đồng.
Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cùng với thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tỉnh rất quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, nhờ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3% năm (đồng bào DTTS là hơn 4%), đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhất là giao thông nông thôn... Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, nhiều xã đông đồng bào DTTS đã “về đích” NTM; diện mạo nông thôn vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Ông Ngô Hùng cũng cho biết: Sóc Trăng đặt mục tiêu, trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục duy trì chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 3 - 4% để chất lượng cuộc sống của bà con được cải thiện hơn nữa.
Nâng cao dân trí, xây dựng nguồn nhân lực
Trong nhiệm kỳ vừa qua, để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 14/2/2017, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào DTTS. Sau hơn 3 năm, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục dành cho đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư tốt hơn. Toàn tỉnh có 146 trường dạy song ngữ Việt - Khmer; trong đó, có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1 trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng dân số tỉnh Sóc Trăng là 1.199.653 người, trong đó tỷ lệ dân tộc Kinh 64,59%; tỷ lệ DTTS 35,41% dân số, gồm 27 DTTS. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 30,18%, dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ 5,20%, 25 dân tộc khác chiếm tỷ lệ 0,03%.
Hòa thượng Tăng Nô, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, đồng thời là Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh (ĐKSSYN) cho biết, Hội ĐKSSYN tỉnh thường xuyên phối hợp với Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ và các trường dân tộc nội trú mở nhiều lớp dạy chữ Pali cho các vị sư sãi theo học. Bên cạnh đó, để bảo tồn chữ viết, tiếng nói mẹ đẻ, Hòa thượng cùng các vị trong Hội ĐKSSYN chỉ đạo các Chi hội huyện, thị đã mở hàng trăm lớp học vào dịp Hè cho sư sãi và con em dân tộc Khmer theo học tiếng Khmer tại chùa và các trường học.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS của tỉnh, Sóc Trăng đặc biệt chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ gắn với chăm lo giáo dục, tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS có thêm điều kiện học tập - như sự khẳng định của ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng.
“Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là nguồn nhân lực chất lượng, bao gồm cán bộ cấp chiến lược; cán bộ lãnh đạo và quản lý, là 1 trong 3 mục tiêu đột phá của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ tới. Với mục tiêu này, chúng tôi quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng được yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới đối với địa phương có đông đồng bào DTTS như Sóc Trăng”, ông Mẫn khẳng định.