Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giảm nghèo bền vững: Nhiều kỳ vọng trước thềm năm mới

PV - 16:28, 22/02/2018

Cùng với nguồn lực Nhà nước, công tác giảm nghèo bền vững đã và đang được người dân chung tay thực hiện. Nhờ đó, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm xuống dưới 7%, giảm 1,5% so với cuối năm 2016. Đây là nền tảng vững chắc để triển khai chương trình trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Hai yếu tố căn bản để thoát nghèo

Kết thúc năm 2017, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đạt được những kết quả khả quan trong giảm nghèo. Đầu năm, xã đặt kế hoạch giảm 30 hộ nghèo; cuối năm, xã có 42 hộ thoát khỏi diện nghèo, 23 hộ cận nghèo vươn lên thành hộ trung bình; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 1,6%, hộ cận nghèo còn 5,68%. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cùng với vốn tích góp được, nhiều gia đình ở Quảng Tân đang chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng, đầy đủ hơn so với trước đây.

Được Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân đã biết tận dụng cơ hội để làm ăn thoát nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân đã biết tận dụng cơ hội để làm ăn thoát nghèo.

 

Về thôn Tân Đức (xã Quảng Tân), thôn có 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay tích cực của những hộ vừa vươn lên thoát nghèo trong năm 2017. Ngắm căn nhà 2 tầng kiên cố đang trong giai đoạn hoàn thiện của ông Voòng Tắc Xanh, rồi nhìn căn nhà tre nứa xiêu vẹo nằm sát ngôi nhà mới xây, chúng tôi hiểu, để có được cơ ngơi này, với ông Xanh không hề dễ dàng.

“Tết này có nhà đẹp rồi. Được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng cùng 10 vạn gạch, tôi vay mượn anh em và ngân hàng xây căn nhà mới, ông Xanh phấn khởi nói.

Rời thôn Tân Đức của xã Quảng Tân, chúng tôi sang thôn Làng Y, xã Đại Bình (huyện Đầm Hà) để thăm vợ chồng anh Chíu Sáng Chưởng, một hộ vừa thoát nghèo cuối năm 2017. Sinh ra thân thể không được trọn vẹn như người khác, cả hai vợ chồng anh đã nỗ lực làm ăn. Đầu năm 2017, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, vợ chồng anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Cuối năm 2017, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo.

Gia đình ông Xanh, anh Chưởng là hai trong 513 hộ đã thoát nghèo trong năm 2017 của huyện Đầm Hà. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, đầu năm toàn huyện có 1.037 hộ nghèo; trong đợt bình xét cuối năm, số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 514 hộ, đạt 164,28% kế hoạch tỉnh giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,5%. Còn tính chung cả tỉnh Quảng Ninh, hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 1.801 hộ thoát nghèo và 1.015 hộ thoát cận nghèo, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 2,69%.

Không dừng lại ở thoát nghèo

Cũng như Quảng Ninh, kết thúc năm 2017, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi trên cả nước đã đạt những kết quả ấn tượng trong giảm nghèo. Như tỉnh Gia Lai, so với cuối năm 2016 thì hết năm 2017, toàn tỉnh đã giảm được 9.585 hộ, đưa tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 45.340 hộ, chiếm tỷ lệ 13,34%.

Còn ở Quảng Ngãi, cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 13,06%, riêng khu vực miền núi là 42%. Hết năm 2017, với nỗ lực của các cấp, các ngành cùng quyết tâm vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của Quảng Ngãi giảm xuống còn 11,16%, trong đó khu vực miền núi còn 36,9%.

Để có được kết quả này, năm 2017, các địa phương đã được bố trí hàng nghìn tỷ đồng triển khai các chương trình, dự án, đề án giảm nghèo. Như Quảng Ngãi, năm 2017, toàn tỉnh được phân bổ 333,6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Dự kiến năm 2018, tỉnh cũng được bố trí hơn 317 tỷ đồng thực hiện.

Bố trí nguồn lực để thực hiện giảm nghèo trong năm 2018 và những năm tiếp theo là hết sức cần thiết; kết quả giảm nghèo ở các địa phương vùng DTTS và miền núi trong năm 2017 đã nói lên hiệu quả của các chương trình, dự án, đề án. Nhưng phấn khởi nhất là kết quả giảm nghèo trong nhận thức của các hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã và đang nỗ lực vươn lên, quyết không để bị bỏ lại phía sau.

Tôi vẫn nhớ như in tâm sự của anh Hồ Văn Rế, dân tộc Tà Ôi, ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, trong chuyến công tác vào huyện Đakrông (Quảng Trị) giữa tháng 7/2017. Gia đình anh từng là hộ nghèo của thôn; được hỗ trợ xây nhà kiên cố, lại được vay 60 triệu đồng phát triển sản xuất, vợ chồng anh đã tích cực làm ăn nên hiện sở hữu 4 con trâu, 3 sào sắn, mấy ha vừa trồng keo, trồng tràm. Chừng đó đối với một gia đình ở thôn heo hút nơi miền ngược có thể gọi là khá giả.

Nhưng tôi không nhớ nhiều gia sản của anh bằng câu nói: “Một năm rồi, mới trả được 20 triệu đồng, vẫn còn nợ 40 triệu đồng nhưng có cái nhà ổn định không sợ mưa gió thì làm ăn trước sau gì cũng trả được”.

Với tôi, một phóng viên chuyên tác nghiệp ở vùng khó, chỉ ước sao đón Xuân mới 2018 sẽ có thêm thật nhiều người có suy nghĩ như anh Rế. Bởi, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mới chỉ là điều kiện cần, còn muốn giảm nghèo bền vững thì không thể thiếu được quyết tâm thoát nghèo của người dân.

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục