Biểu tượng cho“quyền lực thứ 4”
Giải thưởng Pulitzer được coi như Oscar hay Grammy của giới báo chí, truyền thông và xuất bản ở Mỹ. Nó được trao lần đầu tiên năm 1917, mang tên người sáng lập là Joseph Pulitzer. Câu chuyện về nó không khác gì nhiều lịch sử Giải thưởng Nobel.
Joseph Pulitzer sinh năm 1847 ở Hungari ngày nay, cha là người Do Thái, lái buôn ngô, mẹ người Đức. Năm 1864, Pulitzer di cư sang Mỹ, gia nhập quân ngũ và ở phía quân đội các nước miền Bắc trong cuộc nội chiến ở Mỹ.
Sau một thời gian làm bồi bàn, cửu vạn và công nhân trong một nhà xuất bản, năm 1883, Pulitzer đến với nghiệp báo chí bằng việc mua rẻ tờ nhật báo đang bị phá sản New York World. Kinh doanh báo chí là ý tưởng táo bạo và sự sáng tạo độc đáo trong ý tưởng này của Pulitzer là nội dung tập trung hoàn toàn vào chuyện giật gân, bê bối và tai tiếng, lạ kỳ và bất ngờ, vào chuyện tình dục và tội phạm, vào bi kịch cá nhân và thảm hoạ đủ các loại.
Pulitzer phát minh ra cái gọi là Báo chí màu vàng - biệt danh được thiên hạ đặt do màu vàng là chủ đạo ở tờ này, tiền thân của báo chí lá cải hiện tại. Tờ New York World của Pulitzer phục hồi nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ và trở thành tờ nhật báo có lượng người đọc đông đảo nhất ở Mỹ. Pulitzer nhờ đó mà giàu có. Báo chí điều tra và khai thác đến tận cùng mọi hang góc và giới hạn của giật gân là phương châm hành động của Pulitzer.
Giàu có nhưng địa vị xã hội vẫn rất thấp hèn trong con mắt của Pulitzer. Đấy chính là điều khiến Pulitzer không thấy sung sướng và hạnh phúc với mức độ giàu sang có được. Pulitzer lâm vào trầm cảm và bị mù. Năm 43 tuổi, Pulitzer từ bỏ hết mọi công chuyện kinh doanh. Năm 1911, Pulitzer qua đời.
Trong di chúc, ông dành 2 triệu USD cho Trường Đại học tổng hợp Columbia để xây dựng khoa báo chí và một giải thưởng báo chí. Ngầm ý ở đây là từ nay, cái tên Pulitzer không còn hiện thân cho báo chí tầm phào rẻ tiền nữa mà là biểu tượng cho chất lượng vinh quang và đỉnh cao nghề nghiệp.
Năm 1892, chính trường đại học này còn từ chối khoản tiền lớn của Pulitzer ủng hộ. Nhưng lần này thì trường nhận tiền di chúc của Pulitzer. Chỉ một năm sau, khoa báo chí được mở ở trường, nhưng còn giải thưởng báo chí thì phải chờ thêm 5 năm nữa. Giải thưởng Pulitzer được trao lần đầu tiên năm 1917 cho phóng viên 34 tuổi Herbert Bayard Swope của tờ New York World về những phóng sự trực tiếp từ chiến trường châu Âu trong thế chiến thứ nhất cùng với phóng sự của tờ New York Tribune về kỷ niệm một năm sự kiện con tàu Lusitania bị tàu ngầm của Đức nhấn chìm.
Theo thời gian, giải thưởng này thay đổi rất nhiều, mở rộng phạm vi trao sang cả những lĩnh vực xuất bản khác như sách hay ảnh, dành cho cả cá nhân và toà soạn. Hiện tại, có 21 loại giải thưởng Pulitzer. Điều kiện là người được trao giải phải là người Mỹ hoặc người nước ngoài viết sách về lịch sử Mỹ hoặc có bài đăng trên tạp chí, báo chí Mỹ.
Giải thưởng do Trường Đại học Tổng hợp Columbia quyết định. Hội đồng Quản lý giải Pulitzer gồm 19 thành viên là những nhà báo, nhà xuất bản, giáo sư... Hội đồng này cử ra Ban Giám khảo và mỗi thành viên Ban Giám khảo được đề cử 3 lựa chọn cho từng loại giải. Ban giám khảo lựa chọn và trình lên hội đồng quản lý giải quyết định.
Giải báo chí Pulitzer 2022: tôn vinh những nhà báo dũng cảm
Giải thưởng Pulitzer 2022 vinh danh nhiều nhà báo đưa tin về những sự kiệnnóng trong năm qua như bất bình đảng ở Mỹ hay bạo loạn ở Đồi Capitol và chiến sựUkraine.
Báo The New York Times đoạt 3 giải Pulitzer, The Washington Post được vinh danh với giải thưởng hạng mục Phục vụ cộng đồng với tuyến bài về bạo loạn ở Đồi Capitol (Mỹ) vào tháng 1/2021, do những người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump gây ra. Hãng thông tấn Reuters nhận giải Bức ảnh nổi bật nhất ghi lại cảnh đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ.
Các giải thưởng The New York Times nhận được thuộc các hạng mục: Đưa tin địa phương (National Reporting), Đưa tin quốc tế (International Reporting) và Phụng sự cộng đồng (Public Service). The New York Times được Ban Giám khảo đánh giá cao với tuyến bài điều tra về các vụ tử vong do cảnh sát gây ra trên khắp nước Mỹ, cũng như cách thức người gây tai nạn "né" được các án phạt. Báo này cũng có loạt bài phanh phui những thiệt hại tàn khốc trong chiến dịch không kích của Mỹ tại Trung Đông cùng hai tuyến bài đáng chú ý là sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan và vụ ám sát tổng thống Haiti.
Phóng viên Andrea Elliott của The New York Times đoạt giải Pulitzer với cuốn sách Invisible Child: Poverty, Survival and Hope in an American City (tạm dịch: Đứa trẻ vô hình: Nghèo đói, Sống còn và Hy vọng ở một thành phố Mỹ).
Cây bút Salamishah Tillet của The New York Times giành được giải thưởng ở hạng mục Phê bình với các bài viết về người da màu trong nghệ thuật và văn hóa đại chúng.
Người chiến thắng mỗi hạng mục nhận giải thưởng trị giá 15.000 USD (khoảng 345 triệu đồng).
Năm nay Pulitzer trao giải Trích dẫn đặc biệt cho các nhà báo của Ukraine vì đưa tin về chiến sự với Nga. Hội đồng Pulitzer cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với 12 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin, bài về cuộc chiến ở Ukraine.