Giải thưởng VIEWS Awards trao cho hai hạng mục giải: Báo chí và Mạng xã hội; dành cho đối tượng tham gia là các tổ chức, cơ quan báo chí; nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí, người làm báo tự do, bloggers; các nhóm hoặc cá nhân, người dùng mạng xã hội có tác phẩm phù hợp với nội dung và yêu cầu chủ đề. Theo đó, với chủ đề “Truy vết đặc sản thú rừng”, giải thưởng mong muốn thúc đẩy sự quan tâm của các cơ quan báo chí địa phương, các nhà báo độc lập cũng như cộng đồng tại những điểm nóng về săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để thay đổi nhận định của cộng đồng về “thịt rừng” là đặc sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng tầm hình ảnh, giá trị văn hóa con người và thiên nhiên Việt Nam.
Bài dự thi bao gồm báo in, báo ảnh, báo hình, báo mạng, phóng sự truyền hình, bài phát thanh, phóng sự ảnh, phóng sự video, infographic (thể hiện sự nghiên cứu và tổng hợp thông tin). Bài dự thi đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông: Báo in, truyền hình, báo điện tử, đài phát thanh, mạng xã hội. Giải thưởng không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi của mỗi cá nhân/tổ chức trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi (nếu tác phẩm dự thi tham gia cả 2 hạng mục giải, Ban Tổ chức sẽ chọn 1 tác phẩm đạt giải cao nhất). Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31.10.2021.
Về cơ cấu giải thưởng: Đối với giải Báo chí, gồm 1 giải nhất (20 triệu đồng và giải thưởng hiện vật trị giá 40 triệu đồng), 1 giải nhì (10 triệu đồng và giải thưởng hiện vật 30 triệu đồng), 1 giải ba (5 triệu đồng và giải thưởng hiện vật 25 triệu đồng) và 3 giải khuyến khích. Đối với giải mạng xã hội: 1 giải nhất (10 triệu đồng và giải thưởng hiện vật trị giá 8 triệu đồng); 1 giải nhì; 3 giải ba và 3 giải khuyến khích.
VIEWS Awards là giải báo chí thường niên do CHANGE (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khởi xướng, về các chủ đề môi trường và phát triển ở Việt Nam. Giải thưởng nhằm mục tiêu thúc đẩy và vinh danh các cá nhân và tập thể có tác phẩm báo chí xuất sắc về các chủ đề liên quan đến môi trường, thiên nhiên, khí hậu, phát triển, nhằm đóng góp tiếng nói quan trọng giúp bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên quý báu của Việt Nam, hỗ trợ cộng đồng giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương, cũng như cung cấp thông tin đa chiều cho các nhà hoạch định chính sách để cải thiện và thực thi các luật về bảo vệ môi trường.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, có khoảng 60% các bệnh ở người là được truyền từ động vật. Trong số các bệnh này, đến hơn 70% là từ động vật hoang dã như HIV/AIDS, thủy đậu, bệnh dại, SARS, MERS và Ebola… Việc lây truyền bệnh giữa con người và động vật hoang dã ngày càng phức tạp do việc mất cân bằng hệ sinh thái, phá rừng khiến động vật và con người tiếp xúc gần nhau hơn và đặc biệt là việc tiêu thụ thịt rừng vô tội vạ. Dù cho trong giai đoạn đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam ngày càng phức tạp như hiện nay, việc buôn bán động vật hoang dã hay tiêu thụ thịt rừng vẫn diễn ra và với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Thịt rừng được tiêu thụ khắp các khu du lịch, nhà hàng, chợ địa phương,... thậm chí có thể dễ dàng đặt một đơn hàng thịt rừng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, TikTok, Facebook... Dù cho đã có quá nhiều thông tin dịch bệnh đến từ thịt rừng nhưng nhiều người vẫn còn mang tâm lý đây là món ngon, món “đặc sản” nhất định phải thử.