Tháng 6/2023, sau khi chấp hành án phạt tù xong, anh Lương Nguyễn Bá Hải ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong trở về địa phương, bắt đầu cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn. Anh Hải chia sẻ, anh trở về địa phương mang tâm trạng mặc cảm, tự ti, không tìm được việc làm ổn định. Mô hình giải quyết việc làm theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng, đã giúp ông vay vốn ưu đãi với số tiền 90 triệu đồng.
"Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn mặt bằng, tôi mở dịch vụ rửa xe ô tô, xe máy. Cơ sở hoạt động thuận lợi, khách vào rửa xe đều, tôi không chỉ có việc làm ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống, mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 trường hợp cũng là người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương".
Theo báo cáo, xã Quảng Khê hiện có 43 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Hầu hết những trường hợp này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Khi chấp hành án phạt tù xong họ trở về với tâm lý lo sợ cộng đồng kì thị nên ít tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Trước thực tế này, cuối tháng 3/2024, Công an xã Quảng Khê đã ra mắt mô hình giải quyết việc làm theo Nghị định số 49. Đây là mô hình điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Đắk Glong.
Thiếu tá Phạm Ngũ Lạng, Trưởng Công an xã Quảng Khê cho biết: mô hình nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp và quần chúng Nhân dân, phát huy tinh thần nhân văn, giúp đỡ người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tự tin vươn lên ổn định cuộc sống. Qua đó, lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, giáo dục, quản lý tốt người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ tái phạm và vi phạm pháp luật.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, 7 trường hợp trên địa bàn xã Quảng Khê chấp hành án phạt tù xong được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền gần 700 triệu đồng, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn mặt bằng, mở cơ sở kinh doanh như dịch vụ rửa xe, ăn uống...
Đến nay, cơ sở này đều hoạt động tốt, giúp những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Mô hình phấn đấu sẽ giải quyết việc làm cho 30 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã.
Qua thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Đắk Glong có 184 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nhiều trường hợp hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, như bảo lãnh vay vốn ngân hàng để học nghề, sản xuất, kinh doanh; liên hệ các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tạo điều kiện cho những người chấp hành án phạt tù về địa phương được học nghề, làm việc…
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong chia sẻ: Với phương châm “cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng”, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện nhằm giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng có việc làm, phát triển kinh tế, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tham gia các mặt công tác xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.