Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác Dân tộc - Chính sách dân tộc

Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS: Cấp bách tháo gỡ các tồn đọng (Bài cuối)

Tùng Nguyên - 06:24, 19/10/2022

Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020, được kỳ vọng tháo gỡ các tồn đọng lâu nay. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình sử dụng đất của đồng bào DTTS là cần thiết.

Hỗ trợ đất sản xuất cần tính đến điều kiện phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của người dân. (Trong ảnh: Nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để chuyên canh rau màu)
Hỗ trợ đất sản xuất cần tính đến điều kiện phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của người dân. (Trong ảnh: Nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để chuyên canh rau màu)

“Tăng tốc” xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD), trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD”. Đến cuối năm 2019, Đề án mới được trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020. Đến cuối tháng 12/2021, Bộ TN&MT mới tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Đề án.

Do “đầu mối” triển khai Đề án chậm nên đến thời điểm này mới có một số địa phương rục rịch thực hiện. Gần đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD trên địa bàn toàn tỉnh”.

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng dự chi hơn 305,5 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Kinh phí này được sử dụng để lập lưới địa chính, xác định đường ranh giới, cắm mốc ranh giới sử dụng đất; đo đạc đường ranh giới, mốc ranh giới; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD trên địa bàn tỉnh.

Không phải chỉ khi Đề án 32 được ban hành, các địa phương mới “tăng tốc” quản lý đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD mà đã triển khai từ lâu, nhưng tiến độ cứ… “từ từ”. Như tại Sơn La, từ năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xác định cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000; qua đó, đã xác định đường ranh giới trên 796km, 199 thửa, 51 mảnh bản đồ để cấp 1.760 mốc cho 12/12 NLT trên toàn tỉnh.

Từ năm 2022, tỉnh Lâm Đồng dự chi hơn 305,5 tỷ đồng triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD trên địa bàn toàn tỉnh”. (Trong ảnh: Lực lượng chuyên môn tiền hành đo đạc, lập bản đồ địa chính tại khu vực thị trấn Lạc Dương - Ảnh TL)
Từ năm 2022, tỉnh Lâm Đồng dự chi hơn 305,5 tỷ đồng triển khai Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD trên địa bàn toàn tỉnh”. (Trong ảnh: Lực lượng chuyên môn tiền hành đo đạc, lập bản đồ địa chính tại khu vực thị trấn Lạc Dương - Ảnh TL)

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT tỉnh này cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương cho phép lập dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với đất có nguồn gốc từ các NLT. Nhưng đến cuối năm 2021, UBND tỉnh Sơn La mới có Quyết định số 188/QĐ-UBND, cho phép lập thiết kế kỹ thuật – Dự toán Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ NLT trên địa bàn tỉnh. Dự án được giao Sở TN&MT là chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2024.

Tại Hội thảo “Nghịch lý Thiếu – Thừa: Giải pháp nào cho quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh?” được tổ chức cuối năm 2021, ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong quá trình quản lý đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD, nhiều địa phương chỉ chú trọng vào việc đo vẽ bản đồ địa chính, mà ít quan tâm đến việc lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để xác lập tính pháp lý của từng thửa đất và đưa vào vận hành thường xuyên; chưa dành đủ nguồn lực để thực thi theo quy định của pháp luật.

“Trong khi nhu cầu sử dụng đất của người dân tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng du canh, du cư, di dân tự phát vào các nông, lâm trường. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải có cơ chế, chính sách để tập trung ổn định ở khu vực tập trung đồng bào DTTS và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, do không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất”, ông Bình kiến nghị.

Rà soát hiện trạng sử dụng đất của đồng bào DTTS

Như vậy, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khoá IX; hơn 30 năm thực hiện Nghị định 388/1991/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) để giải phóng nguồn lực đất đai vẫn là vấn đề cấp bách ở các địa phương. Nhưng tiến độ giải quyết vấn đề cấp bách này vẫn chậm, cả ở Trung ương và địa phương.

“Trong dịp sửa Luật đất đai đang tiến hành cần tập trung cải tổ các NLTQD hay chính là các công ty nông lâm nghiệp của Nhà nước”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
“Trong dịp sửa Luật đất đai đang tiến hành cần tập trung cải tổ các NLTQD hay chính là các công ty nông lâm nghiệp của Nhà nước”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Tại phiên thảo luận về hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 được tổ chức ngày 18/9, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, có nhiều vấn đề cần hoàn chỉnh trong chính sách đất đai nhưng điểm đầu tiên là vấn đề tư duy. Theo đề dẫn của GS Võ, vì tư duy chưa đổi mới nên đến nay, việc quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các NLTQD vẫn như “mớ bòng bong”; việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ, tình trạng tranh chấp đất đai,… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội, để giải bài toán nghịch lý thiếu – thừa đất đai hiện nay thì một giải pháp cần được triển khai quyết liệt là thu hồi diện tích đất có nguồn gốc từ các NLTQD chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý. Từ đó ưu tiên giao đất cho đồng bào DTTS ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; giao đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bài toán bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được đặt ra từ hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa giải được triệt để. Ở nhiều địa phương đã thực hiện thu hồi đất có nguồn gốc từ các NLTQD, tiến hành cấp đất cho đồng bào thiếu đất, nhưng người dân không nhận do đất cằn cỗi, sỏi đá, hoặc cơ sở hạ tầng không có, không thể sản xuất…

Đó là chưa kể, không ít diện tích đất được cấp không phù hợp phong, tục, tập quán sản xuất của đồng bào. Trong khi Luật Đất đai (sửa đổi 2013) hiện hành quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất trong thời gian tới, việc xác lập cơ sở dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất của đồng bào DTTS cùng cần được triển khai đồng thời với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 188/QĐ-UBND, cho phép lập thiết kế kỹ thuật – Dự toán Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ NLT trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: UBND tỉnh Sơn La kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP. Sơn La)
Cuối năm 2021, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 188/QĐ-UBND, cho phép lập thiết kế kỹ thuật – Dự toán Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ NLT trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: UBND tỉnh Sơn La kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP. Sơn La)

Ngày 1/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự phát và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ NLT. Một trong những yêu cầu của Nghị quyết là giao Bộ TN&MT rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS, dân di cư tự phát và các hộ nghèo thiếu đất sản xuất... đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo các địa phương rà soát các phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, ưu tiên bố trí đất sản xuất cho người dân di cư tự phát, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

Nghị quyết số 22/NQ-CP yêu cầu ưu tiên bố trí đất sản xuất cho người dân di cư tự phát, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất. (Trong ảnh: Một khoảnh rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông bị phát đốt để lấy đất sản xuất)
Nghị quyết số 22/NQ-CP yêu cầu ưu tiên bố trí đất sản xuất cho người dân di cư tự phát, giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất. (Trong ảnh: Một khoảnh rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông bị phát đốt để lấy đất sản xuất)

Trong Nghị quyết số 22/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu, việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp phải được thực hiện khẩn trương, đồng thời phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

“Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện công tác di dân tự do và quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả. Địa phương nào để xảy ra vi phạm quy định, khiếu nại, khiếu kiện, điểm nóng, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân, tạo đồng thuận, không để thành điểm nóng; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Nghị quyết số 22/NQ-CP nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 16/12, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.