Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giải pháp nào ứng phó với dông lốc, mưa đá?

Hoàng Thanh - 11:58, 09/12/2020

Cùng với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ở khu vực miền núi những năm gần đây xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do dông lốc, mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa đá
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa đá

Thiên tai đến bất ngờ

Rạng sáng ngày 1/10/2020, ông Hoàng Đình Cậu, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nậm Khương, xã Nà Chì, huyện Xín Mần (Hà Giang) đang chìm trong giấc ngủ bỗng choàng tỉnh bởi đợt mưa dông lớn ào đến. Dù đã quen với mưa gió bất ngờ nhưng ông Cậu không tránh khỏi lo lắng. Mưa to, gió lớn đã đành, nhưng kèm theo mưa là dông lốc, sấm sét…

Đúng như sự lo lắng của ông, đợt dông lốc đêm đó đã khiến thôn Nậm Khương bị thiệt hại nặng nề. Nhiều nhà trong thôn đã bị tốc mái, hầu hết các diện tích rau màu bị vùi nát… Lo nhất là có 2 cha con ông Hoàng Văn Mốn (42 tuổi) và con trai Hoàng Văn Cường (21 tuổi) bị sét đánh trúng. Cũng may, đến ngày 2/10, sức khỏe của 2 nạn nhân đã ổn định.

Theo ông Cậu, thôn Nậm Khương thường xuyên chịu thiệt hại bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là dông lốc, sấm sét. Dù vậy, người dân trong thôn cũng chỉ biết “chịu trận” chứ rất khó đề phòng vì thiên tai thường xảy ra bất ngờ; phần lớn xảy ra vào thời điểm người dân đang ngủ.

Dẫn chứng chẳng đâu xa, chỉ gần 3 tháng trước, rạng sáng ngày 5/7, thôn Nậm Khương cũng oằn mình trong dông lốc. Dông lốc về trong đêm tối đã làm sập hoàn toàn căn nhà của gia đình anh Hoàng Văn Ngấn, cũng may không có thiệt hại về người.

Không chỉ thôn Nậm Khương mà dông lốc đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa bàn khác thuộc xã Nà Chì. Theo thống kê của UBND xã Nà Chì, trận dông lốc rạng sáng ngày 5/7/2020 xảy ra trên địa bàn xã đã làm sập hoàn toàn 2 căn nhà. Một là nhà anh Hoàng Văn Ngấn ở thôn Nậm Khương và nhà của gia đình ông Hoàng Văn Đông A ở thôn Nậm Sái. Nhà bị sập trong đêm tối đã khiến ông A và hai người cháu bị thương, phải đưa vào bệnh viện điều trị. Ngoài ra, dông lốc cũng làm hư hỏng 52 ngôi nhà khác.

Trước đó, các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, TP. Cần Thơ… cũng xuất hiện nhiều trận dông lốc gây thiệt hại rất lớn về hoa màu. Thực tế cho thấy, tất cả cơn dông bão đều đến rất nhanh nên các nhà khoa học trên thế giới cũng chỉ đưa ra dự báo sớm nhất trước đó từ 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ.

Ông Trần Quang Năng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tùy theo từng vùng, miền, thời gian xảy ra hiện tượng dông nhiều ở mỗi địa phương một khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung ở nước ta mùa dông thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12. Lốc thường xảy ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong mùa Đông hầu như không có hiện tượng này. Lốc xoáy thường xảy ra vào mùa Hè, nhất là ở những vùng núi và vùng sát biển. Ở Nam Bộ, hiện tượng gió lốc trong mùa Hè không phổ biến như ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Dông lốc làm thiệt hại tài sản của người dân
Dông lốc làm thiệt hại tài sản của người dân

“Lên dây cót” phòng ngừa

Cùng với dông lốc, các địa phương miền núi thường chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa đá. Đặc biệt là năm 2020, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra nhiều trận mưa đá liên tiếp ở các địa phương, diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 diễn ra chiều ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phải thốt lên: Mưa đá đổ trắng trời, chưa năm nào dị thường như thế!

Trái với quy luật thời tiết nhiều chục năm qua, ngay thời khắc chuẩn bị đón chào năm mới 2020, tối 24/1 (tức 30 Tết âm lịch), một số tỉnh miền núi như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn đã có dông lốc và mưa đá, đường kính trung bình mỗi viên đá từ 1 - 3cm, có viên to như quả trứng gà.

Tiếp đó, ngày 3/3, ngày 17/3 và các ngày 20, 23, 24/3, mưa đá, dông lốc lại tiếp tục xảy ra trên diện rộng, khiến người dân các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu điêu đứng. Đây là những trận mưa đá mà theo nhiều già làng, trưởng bản nhận xét thì: “Chưa bao giờ thấy mưa đá nhiều và liên tiếp như vậy”.

Theo các chuyên gia khí tượng thì rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp chính.

Để chủ động ứng phó mưa đá, khi xảy ra mưa đá, người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn, tập trung ở những ngôi nhà mái bằng, mái tôn kiên cố. Nếu ở trong nhà lợp Fibroxi măng thì nên tìm nơi có thể “trốn” được như: Gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu đề phòng đá rơi vỡ ngói.

Về lâu dài, để đề phòng mưa đá có thể xảy ra, quá trình xây dựng nhà cửa, bà con nên lưu ý kết cấu khung mái, xà gồ phải sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Khi làm mái nhà, nên thiết kế dốc nhiều xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá, giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai từ đầu năm đến 22/9/2020, tại 41 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra 248 trận dông, lốc, mưa lớn; trong đó có 9 đợt trên diện rộng tại 20 tỉnh có vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nay đến cuối năm, các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó tình trạng đa thiên tai nếu các cơn bão xảy ra đồng thời, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ; đặc biệt đề phòng tần suất dông lốc, sét tăng cao trong mùa mưa bão.

Những nhận diện về lốc xoáy, mưa đá:

Thông thường, khi thấy những đám mây trên bầu trời bỗng nhiên vần vũ và đen sẫm lại, gió đang thổi bỗng nhiên ngừng hẳn, kèm theo đó là nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở lên mát mẻ, se lạnh, đây là dấu hiệu cho thấy có khả năng dông và sấm sét, lốc xoáy sẽ xảy ra.

Đối với mưa đá, nếu thấy những đám mây có dạng như bầu vú đen sẫm lại gần như che kín tầm mắt, sau đó thấy gió nổi lên mạnh, tạo ra những tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì cần cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, thời điểm này mưa đá sẽ xuất hiện.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.