Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giải pháp giữ chân người dân di cư trở về

Hùng Phong - 10:55, 05/11/2019

Thời gian qua, thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào về giải quyết vấn đề người di cư và kết hôn không giá thú, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông di cư sang Lào được trao trả trở về. Nhưng vì nhiều lý do đã có không ít hộ dân lại tái di cư.

 Chị Mùa Y Chò (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) nay không còn ý định di cư, yên tâm sinh sống tại quê cũ.
Chị Mùa Y Chò (bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) nay không còn ý định di cư, yên tâm sinh sống tại quê cũ.

Gần đây nhất, trong số 21 người dân tộc Mông địa bàn tỉnh Nghệ An di cư sang tỉnh Bô Ly Khăm Xay được nước bạn Lào trao trả trở về vào ngày 23/8/2019, đến nay chỉ còn hộ gia đình bà Vừ Y Và, sinh năm 1963 (3 khẩu) về ở cùng con gái tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn với cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. 

Bà Vừ Y Và, than thở: “Khi trở về xã chỉ mới hỗ trợ cho 1 bì gạo. Cũng muốn về Việt Nam không di cư nữa, nhưng ở đây không còn nhà cửa, không có đất sản xuất, không có tiền, không biết làm thế nào?!”…

Đợt trao trả người Việt Nam di cư vừa qua, ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cũng có 2 hộ/5 khẩu được Lào trao trả, tuy nhiên sau đó họ lại tái di cư ngay. Lực lượng BĐBP đứng chân trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này.

Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Chính trị viên Đồn BP Na Ngoi, BĐBP tỉnh Nghệ An, cho biết: Khi các hộ dân vừa về, chúng tôi đã bàn bạc với địa phương để tiến hành làm nhà tạm cho các hộ hồi cư, tuy nhiên chưa kịp triển khai, thì các hộ lại di cư ngay. Để người dân hồi cư bước đầu ổn định cuộc sống tại địa phương, chúng tôi kiến nghị với lực lượng chức năng của Lào khi trao trả các hộ trở về thì trao trả tất cả các khẩu trong một hộ gia đình và trao trả người kèm theo tài sản. Tránh trường hợp như vừa rồi, bàn giao một nửa hộ gia đình về Việt Nam, một nửa ở Lào sẽ tạo điều kiện cho người trao trả trở về không ổn định cuộc sống, có tư tưởng tái di cư sang Lào sum họp với gia đình.

Điển hình là hộ gia đình anh Lầu Bá Gô và chị Mùa Y Chò di cư sang tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) vào tháng 2 năm 2018. Những tưởng ra đi sẽ có cuộc sống khấm khá hơn, nhưng thực tế thì không phải như vậy, sinh sống tại đất khách, không có đất canh tác, vợ không có việc làm, phải thuê nhà, điều kiện kinh tế quá khó khăn nên hai vợ chồng cùng hai con lại tay xách nách mang trở về quê cũ tại bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vào tháng 3 năm 2019. Trở về quê cũ, được sự quan tâm của địa phương, Đồn Biên phòng Nậm Càn, nay gia đình anh Lầu Bá Gô và chị Mùa Y Chò đã có cuộc sống tương đối ổn định. Anh hằng ngày lên rẫy, còn chị đi khai thác cây dược liệu tự nhiên, chăn nuôi thêm gia súc, hai cháu được đến trường đi học.

Tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, theo thống kê từ đầu năm đến nay có 4 hộ/20 khẩu hồi cư và bạn Lào trao trả trở về sống ổn định tại địa phương. Để giữ chân các gia đình này ở lại, cùng với cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP đứng chân trên địa bàn đã thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, động viên, tuyên truyền vận động các hộ hồi cư nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập với người dân địa phương. 

Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn BP Nậm Càn, BĐBP tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Chúng tôi thống nhất với địa phương bàn bạc có các chủ trương, giải pháp cụ thể như: bố trí đất sản xuất để các hộ canh tác lâu dài, hỗ trợ về ngày công để dựng nhà sớm ổn định có nơi ăn ở sinh hoạt. Cùng với đó phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho con em của các hộ hồi cư được đến lớp, đến trường theo các lứa tuổi”.

Như vậy, có thể thấy giải pháp để giữ chân người di cư trở về làng, cấp ủy chính quyền địa phương cần khẩn trương hỗ trợ nơi ở, sinh kế để giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.