Lao động nữ ở chợ đầu mối Long Biên.Gia tăng lao động nữ di cưĐã gần 10 năm nay, con đường đất đỏ mòn vẹt bên sườn chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) là lối đi về quen thuộc của chị Phan Thị Chiêm (37 tuổi), quê ở Vĩnh Phúc. Kinh tế gia đình khó khăn, chị buộc phải gửi con cho ông bà rồi xuống Hà Nội làm thuê. Công việc của chị là gánh
hàng thuê ở chợ đêm Long Biên; 21 giờ đêm chị rời chỗ trọ, quần quật làm cho đến sáng sớm hôm sau.
Lấy đêm làm ngày nên chị Chiêm cũng chẳng chú ý đến chỗ ở của mình. Chỉ có thể gọi đó là nơi tá túc bởi căn phòng trọ của chị Chiêm chỉ khoảng 8m2, đặt được một tấm phản làm giường. Phòng lợp mái tôn, bao bởi 4 bức tường gạch-chủ phòng trọ tiếc tiền đến nỗi không trát vữa. Ấy vậy, mỗi tháng chị phải đóng 800 nghìn đồng tiền thuê phòng; đó là chưa kể tiền điện, tiền nước,…
Công việc vất vả nhưng mỗi đêm chở hàng thuê ở chợ Long Biên, chị Chiêm cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng. “Hôm nào kiếm được nhiều mối thuê chở hàng thì mình còn có thu nhập, chứ đúng hôm chợ “đói” thì thu nhập không được là bao”, chị Chiêm chia sẻ.
Chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản cho người dân Thủ đô. Đây cũng là nơi tập trung nhiều lao động nữ tự do đến từ các tỉnh. Khi đêm xuống, họ bước vào guồng mưu sinh nhọc nhằn.
Nhưng chợ đầu mối Long Biên cũng chỉ là một trong rất nhiều điểm “hút” lao động nữ tự do từ khu vực nông thôn đến tìm việc làm trên địa bàn TP. Hà Nội. Và chị Phan Thị Chiêm cũng là một trong hàng nghìn lao động nữ từ nông thôn di cư về đây tìm việc làm. Nếu tính rộng ra, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chưa nói tới những thành phố trực thuộc tỉnh, các khu công nghiệp thì sẽ có bao nhiêu lao động nữ tự do chấp nhận xa nhà, xa gia đình để tìm kế mưu sinh?
Số liệu vừa được Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng (một tổ chức dân sự hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới và lao động di cư) cho thấy, lực lượng lao động di cư từ nông thôn về thành phố tìm việc làm ngày càng gia tăng. Cụ thể, nếu như năm 1989 mới có 1,3 triệu người di cư thì đến 2009, con số này đã tăng lên 3,4 triệu người. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng, đến năm 2019 sẽ có 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số cả nước.
Khoảng trống chính sách an sinhTheo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng, trong tổng số lao động di cư tìm việc làm thì có 54% là lao động nữ. Đáng chú ý, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ di cư về thành phố tìm việc tương đối thấp, trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Điều này đồng nghĩa, phần lớn lao động nữ sẽ phải tham gia vào các công việc nặng nhọc để mưu sinh.
Không những vậy, lao động nữ di cư tự do về thành phố tìm việc còn đối diện với rất nhiều khó khăn khác trong cuộc sống. Theo báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam vừa công bố ngày 20/12/2018 thì hơn 34% lao động nữ di cư gặp khó khăn về việc làm, gần 43% gặp khó khăn về chỗ ở…
Ngoài ra, lao động nữ di cư ít được tiếp cận dịch vụ xã hội, chưa được hỗ trợ và thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ về các chính sách an sinh xã hội. Theo thống kê, có 90% lao động khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho rằng, lao động nữ di cư phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi phải tách ra khỏi gia đình, xóm giềng. Cư ngụ tại thành phố, họ phải chịu mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không đảm bảo an ninh, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, xâm hại…
Đáng lo ngại nhất là trường hợp lao động nữ người DTTS, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa di cư về thành phố tìm việc. Họ thường thiếu thông tin, trình độ giao tiếp và năng lực chuyên môn hạn chế… Như chia sẻ của bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, với lao động nữ di cư là người DTTS, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ và nhận thức khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Thực trạng nêu trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cho việc nghiên cứu sâu vấn đề an sinh đối với nữ lao động di cư. Đây sẽ là cơ sở đề xuất với các cơ quan liên quan, nhà hoạch định chính sách, có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền an sinh xã hội với người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng.
Đáng lo ngại nhất là trường hợp lao động nữ người DTTS, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa di cư về thành phố tìm việc. Họ thường thiếu thông tin, trình độ giao tiếp và năng lực chuyên môn hạn chế…” (Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội).SỸ HÀO