Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giá vật liệu tăng, việc xây dựng đường giao thông ở vùng cao gặp nhiều khó khăn

Trọng Bảo - 19:58, 02/04/2023

Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung triển khai thi công các công trình giao thông nông thôn từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó, có nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, giá cả nguyên vật liệu đang tăng cao khiến cho việc triển khai thi công các công trình đường giao thông nông thôn ở các xã vùng cao gặp rất nhiều khó khăn…

Tuyến đường thôn Tả Thền A được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Tuyến đường thôn Tả Thền A được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tuyến đường giao thông đi thôn Sàng Lùng Phìn, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương khởi công từ tháng 10/2022; đường được mở mới với chiều dài 2,5 km. Công trình được thiết kế với chiều rộng nền đường 6 m, mặt bê tông 3,5 m, rãnh 0,8 m, với tổng mức đầu tư 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Dự kiến đến tháng 5/2023, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay do giá nguyên vật liệu như: Cát, đá, xi măng tăng cao trong khi định mức đầu tư theo Nghị quyết 22/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn xây dựng từ năm 2020 thấp và không phù hợp với giá cả thị trường hiện nay.

“Theo Nghị quyết 22, với tuyến đường này chúng tôi được hỗ trợ 90 triệu đồng cho nhân công đổ 1 km bê tông mặt đường. Trong khi đó, bình quân mỗi cây số đường cần khoảng 700 m3 bê tông, theo giá nhân công hiện nay là 300.000 đồng đổ 1 m3, thì mỗi cây số đường, giá nhân công phải là 210 triệu đồng. Với mức hỗ trợ hiện tại thì quá thấp, các tổ đội rất khó khăn trong quá trình thi công”, ông Ma Chiến Phúc - Bí thư xã Nậm Chảy cho biết.

Tương tự, tuyến đường thôn Tả Thền A, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương có chiều dài 1,2 km, hiện đang thi công những mét bê tông mặt đường cuối cùng để có thể đưa vào sử dụng. Ông Phùng Huy Tường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Hiện nay, giá cả nguyên vật liệu đã khác rất nhiều so với trước đây, thậm chí như giá cát đến chân công trình cao gấp 2 - 3 lần so với dự toán.

“Thực tế thì xây dựng đường giao thông nông thôn đang thực hiện theo tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong đó, phần đóng góp của người dân rất quan trọng như hiến đất mở đường, tham gia ngày công lao động, đóng góp tiền… Tuy nhiên, đời sống của đồng bào các dân tộc trên vùng cao còn rất nhiều khó khăn, bà con rất đồng tình ủng hộ hiến đất mở đường còn đóng góp về tiền thì rất là khó…”, ông Tường thông tin.

Chương trình xây dựng giao thông nông thôn với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm
Chương trình xây dựng giao thông nông thôn đang được thực hiện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Năm 2022, huyện Mường Khương có 39 tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là trên 80 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: Mường Khương là huyện 30a của tỉnh Lào Cai, giao thông đi lại khó khăn, cước vận chuyển cao, địa hình thi công có nhiều núi đá… nên việc áp định mức đầu tư như đối với các huyện vùng thấp thì rất khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, hai năm trở lại đây giá cát, đá xây dựng tăng khoảng 200%.

“Năm 2022, khi phê duyệt dự án thì giá cát giao động từ 110 - 120 nghìn đồng/m3; nhưng hiện nay giá cát là 220 - 250 nghì đồng/m3. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 22 thì cũng khoán cho ngân sách huyện tương đối cao, ví dụ như phần làm rãnh đường thì chỉ hỗ trợ 6,2 tấn xi măng cho 100 m rãnh còn lại là ngân sách huyện. Trong khi đó, Mường Khương là huyện nghèo, thu ngân sách hàng năm rất thấp, nên để huy động nguồn đối ứng cũng rất khó. Khó khăn là như vậy, nhưng huyện cũng đang quyết tâm làm với quan điểm phần nào dễ làm trước, khó làm sau”, ông Trung phân tích.

Với mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh Lào Cai có 100% các xã cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 100% các thôn bản có đường giao thông đến trung tâm được bê tông hóa… UBND tỉnh đã giao danh mục chuẩn bị đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cho các huyện, xã giai đoạn 2021 - 2025, với 1.055 công trình, tổng chiều dài 2.148 km. 

Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã khởi công 374 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 665 km. Theo ông Phan Thành Dương - Trưởng phòng quản lý giao thông, Sở Giao thông vận tải và Xây dựng Lào Cai, thời gian qua, tỉnh đã lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình MTQG và ngân sách địa phương để thực hiện mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Chương trình xây dựng giao thông nông thôn với quan điểm là Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ những phương tiện, vật liệu người dân không thể sản xuất được như máy lu, xi măng, cát, đá. Về phía người dân sẽ hiến đất, đóng góp nguồn lực để làm đường…

Giao thông nói chung, giao thông nông thôn nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK
Giao thông nói chung, giao thông nông thôn nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

“Theo Nghị quyết 22 thì với các xã vùng III, Nhà nước sẽ hỗ trợ 90 triệu đồng tiền nhân công đổ bê tông 1 km đường, còn lại là cân đối từ nguồn ngân sách huyện, nhưng không quá 130 triệu đồng. Còn đối với vật liệu, khi các địa phương lập dự án thì tính theo giá tại thời điểm đó. Còn việc quản lý giá vật liệu thì trách nhiệm thuộc về chính các địa phương có mỏ cát, mỏ đá phối hợp với cơ quan thuế để tránh tình trạng chênh lệch giá thực tế với giá lập dự án”, ông Dương nhấn mạnh.

Giao thông nói chung, giao thông nông thôn nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH, giao thương hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, việc giá vật liệu tăng cao đã và đang ảnh hưởng tới tiến độ thi công các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Để bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, cũng như giải quyết khó khăn cho cơ sở, các cơ quan liên quan cần sớm khảo sát, đánh giá để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.