Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Già làng A Lăng Đợi: Mang văn hóa Cơ-tu xuống phố

Tấn Sỹ-Thanh Huyền - 10:18, 30/06/2020

Nhiều năm theo đuổi các loại hình âm nhạc truyền thống của người Cơ-tu…, già làng A Lăng Đợi ở thị trấn P’rao, huyện Đông Giang (Quảng Nam) được xem là một nghệ nhân tiêu biểu nhất ở vùng đồng bào Cơ-tu hiện nay.

Già làng A Lăng Đợi - người mang văn hóa Cơ-tu xuống phố
Già làng A Lăng Đợi - người mang văn hóa Cơ-tu xuống phố

Tân tung da dá vào nhà hát

Không phải tiếng hát bội, hô bài chòi, hay tiếng trống chầu… mà trong không gian Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP. Đà Nẵng) những ngày này luôn rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào Cơ-tu. 

Đây là lần đầu tiên hơn 50 diễn viên, nghệ sĩ ở Nhà hát tuồng, tiếp xúc với điệu múa tân tung da dá của đồng bào Cơ-tu. Ban đầu, họ gặp không ít khó khăn, nhưng với sự truyền dạy của già A Lăng Đợi, dần dần họ đã quen và thích thú với điệu múa của đồng bào vùng cao. Anh Nguyễn Tấn Đông, diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ: “Sau 15 ngày được nghệ nhân A Lăng Đợi trao nghề, chỉ từng động tác nên tôi đã hiểu được cái hồn của điệu múa”. 

Đó là cảm nhận của diễn viên, nghệ sĩ ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Còn với già làng A Lăng Đợi, hành trình rời núi mang văn hóa của đồng bào Cơ-tu xuống phố được coi là một sự trải nghiệm thú vị. 

Hơn 15 ngày ở phố, già Đợi đã truyền dạy cho các thanh niên điệu múa hùng hồn, cách đánh trống, giữ nhịp chiêng. Còn cô con gái A Lăng Thị Bé thì hướng dẫn các bạn nữ điệu đi, cách nhảy múa nhẹ nhàng, theo đúng như các cô gái Cơ-tu ở làng. 

Theo già A Lăng Đợi, mới đầu dạy cho các bạn cũng hơi khó khăn, nhưng diễn viên rất ham học. Họ thích tiếng hú, tiếng chiêng, vũ điệu dâng trời… nên cha con tôi đã đem hết những gì biết được truyền dạy lại. Giờ các bạn biểu diễn cũng được 90% so với người Cơ-tu ở Đông Giang. 

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thông tin: Năm 2020, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng chương trình nghệ thuật mang tên “Trầm tích Sông Hàn”. Trong đó, cùng với các làn điệu dân ca, bài chòi, trích đoạn tuồng thì chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn bè, du khách về một điệu múa đẹp của người Cơ-tu. Sau khi đi khảo sát, tìm hiểu nhiều nơi, Nhà hát quyết định chọn và mời già A Lăng Đợi để truyền nghề. 

Ông Trần Ngọc Tuấn cho biết: Già Đợi làm việc rất chuyên nghiệp và thể hiện cái tâm trong sáng của một người Cơ-tu trong việc đưa nét văn hóa của đồng bào mình đến với bạn bè. Điệu múa tân tung da dá của người Cơ-tu đã góp phần làm nên thành công cho Chương trình nghệ thuật “Trầm tích Sông Hàn”. 

Tiếp tục hành trình truyền dạy…

Ngôi nhà nhỏ của già làng Đợi ở thôn Gừng, thị trấn P’rao (Đông Giang) luôn tấp nập người qua lại. Du khách thì dừng chân chiêm ngưỡng những nhạc cụ, thổ cẩm, tượng gỗ điêu khắc của người Cơ-tu. Còn trẻ em và thanh niên trong làng thì tìm đến đây để học đánh trống, đánh chiêng, hay chế tác nhạc cụ, trình diễn khèn Abel, tù và, sáo trúc...

“Học cũng rất khó, hai ba ngày mới học thuộc được một điệu đánh cồng chiêng. Già Đợi hướng dẫn rất nhiệt tình, ngày nào chúng cháu cũng học theo ông cách thổi khèn abel, rồi điêu khắc gỗ truyền thống”, em A Ting Nuôi hồn nhiên chia sẻ. 

Đã 60 mùa rẫy, giờ đây già làng, nghệ nhân A Lăng Đợi có trong tay một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của người Cơ-tu. Và với một người nặng lòng với bản sắc văn hóa dân tộc mình, già Đợi vẫn còn bao dự định.

“Tôi ước muốn huyện Đông Giang quan tâm mở lớp truyền dạy văn hóa cho bà con Cơ-tu. Lúc đó, tôi và các nghệ nhân khác sẽ truyền dạy lại cho các cháu, để không mất đi phong tục tập quán của chúng tôi”, già Đợi tâm sự.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Đông Giang, già làng A Lăng Đợi là một trong 26 nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương. Trong các hoạt động giới thiệu quảng bá văn hóa Cơ-tu của huyện tổ chức, già Đợi đều tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm. Có du khách phương xa muốn tìm hiểu văn hóa Cơ-tu, huyện đều đưa đến nhà già Đợi để ông hướng dẫn, biểu diễn nhạc cụ… Huyện cũng đang có phương án mở lớp truyền dạy văn hóa Cơ-tu cho thế hệ trẻ, lúc đó những nghệ nhân tiêu biểu như già Đợi sẽ được mời tham gia trao truyền.

Bằng tình yêu với văn hóa Cơ-tu, già làng A Lăng Đợi đã và đang tiếp tục hành trình truyền dạy cho bao thế hệ trẻ trong làng. Cũng như sẵn sàng rời núi xuống phố, mang cái hay, cái đẹp của đồng bào Cơ-tu đến bạn bè gần xa.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.