Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng cháy rừng

Ngọc Thu - 14:33, 31/03/2025

Hiện nay, Gia Lai đã bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô 2024 - 2025, nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, các đơn vị chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với phương châm: phát hiện sớm, dập tắt kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Các lực lượng cùng tham gia diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Ia Grai
Các lực lượng cùng tham gia diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Ia Grai

Xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy

Theo kết quả rà soát của Ban Chỉ huy PCCCR các địa phương và đơn vị chủ rừng, toàn tỉnh hiện có 286 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, với diện tích hơn 124 ngàn ha. Diện tích rừng dễ cháy tập trung chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên lá rộng, rừng khộp.

Tại huyện Chư Prông có tổng diện tích đất có rừng là hơn 72.740ha. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng cũng đã xác định 34 vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao tại 3 xã, với tổng diện tích hơn 1.825ha; 8 trọng điểm nguy cơ cháy cao tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ với trên 3.500ha. 

 Huyện Chư Prông xác định có 34 vùng trọng điểm cháy trên địa bàn
Huyện Chư Prông xác định có 34 vùng trọng điểm cháy trên địa bàn

Ông Trần Anh Tài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho hay: Đơn vị đã phân công lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hướng dẫn các hộ dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, ngăn chặn không để cháy lan vào rừng. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, thành lập 3 tổ công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR tại xã Ia Mơ với 28 thành viên.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, tập trung tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng cho người dân. Từ năm 2024 đến nay, đã tổ chức 21 đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật với hơn 1.000 lượt người tham gia. Đặc biệt, tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng và bảo vệ rừng với các hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng.

Vào mùa khô, rừng tại huyện Đức Cơ luôn là trọng điểm nguy cơ cháy cấp độ cảnh báo cực kỳ nguy hiểm; trong đó, có 6 trọng điểm nguy cơ cháy tập trung ở các xã biên giới như Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn và xã Ia Din, Ia Kriêng.

Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thông tin: Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng các biện pháp PCCCR cho người dân thì trong phương án chữa cháy rừng, huyện đã quán triệt phương châm "4 tại chỗ" gồm: lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ. 

Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là Ban Chỉ huy PCCCR được củng cố, kiện toàn từ cấp huyện đến xã; lực lượng chữa cháy tại chỗ gồm 659 người được trang bị hơn 400 phương tiện (ô tô và xe máy), gần 900 dụng cụ đầy đủ để chữa cháy rừng… 

Trong trường hợp có đám cháy lớn hoặc đám cháy kéo dài nhiều ngày sẽ huy động thêm lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, các doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn và người dân các xã khác trong huyện tham gia chữa cháy.

Cộng đồng người Gia Rai của 2 làng O Grang và De Chí (xã Ia Pếch) đã nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 560 ha rừng
Cộng đồng người Gia Rai của 2 làng O Grang và De Chí (xã Ia Pếch) đã nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 560ha rừng

Chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng

Nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Ia Grai, các xã, thị trấn cùng đơn vị chủ rừng cũng đang chủ động triển khai các giải pháp cấp bách PCCCR. Đồng hành trong công tác bảo vệ rừng, là cộng đồng người Gia Rai của 2 làng O Grang và De Chí (xã Ia Pếch) đã nhận khoán quản lý, bảo vệ khoảng 560ha rừng.

Già làng Rơ Mah Ngoh - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng De Chí, chia sẻ: “Cộng đồng làng De Chí nhận quản lý, bảo vệ 443ha rừng. Tổ bảo vệ rừng có 6 thành viên. Chúng tôi xây dựng kế hoạch, phân công lịch tuần tra, bảo vệ rừng cụ thể cho từng thành viên, trong từng thời điểm, đặc biệt là mùa nắng nóng. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con sử dụng lửa an toàn, không phát, đốt nương rẫy vào mùa khô và sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng để chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Hà, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, các địa phương và đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR từ cấp huyện đến cấp xã. Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng triển khai công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là PCCCR trong mùa khô 2025. 

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân sinh sống, sản xuất gần rừng sử dụng lửa rừng an toàn; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.

Lực lượng chức năng kiểm tra, ứng trực 24/24 để PCCCR tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông
Lực lượng chức năng kiểm tra, ứng trực 24/24 để PCCCR tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông

Theo ông Hà, bên cạnh việc chấn chỉnh, nâng cao ý thức cảnh giác, hiệu quả hoạt động của các ban chỉ huy, tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR ở thôn, làng, Chi cục tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng và phòng - chống cháy rừng, chỉ đạo các đơn vị rà soát, bảo dưỡng phương tiện, trang - thiết bị PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Đồng thời, thường xuyên theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm, Hotspot GLA, Gia Lai FFW để phát hiện sớm các điểm cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị chủ rừng kiểm tra, xác minh báo cáo kết quả xác minh điểm cháy qua nhóm Zalo “Nhóm thực hiện công tác PCCCR” về Chi cục Kiểm lâm trước 16 giờ 15 phút hằng ngày để theo dõi, chỉ đạo chữa cháy kịp thời, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra...

Hiện nay, nhiều diện tích rừng tại tỉnh Gia Lai đang ở mức báo động cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng. Trong đó, 2 vụ cháy thực bì tại huyện Ia Grai, Chư Păh và 1 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng tại huyện Krông Pa với diện tích cháy hơn 46ha.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết vùng đồng bào DTTS ở Tây Ninh

Chương trình MTQG 1719 giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết vùng đồng bào DTTS ở Tây Ninh

Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Tây Ninh đã tập trung đầu tư toàn diện cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã và đang từng bước giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.