Lớp tập huấn diễn ra trong 8 ngày (từ 25/9 - 2/10), với sự tham gia của 26 nghệ nhân người Gia Rai, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là những người biết đánh cồng chiêng và nghệ nhân chỉnh chiêng.
Các nghệ nhân được 2 nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc là Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Ban Nghiên cứu nghệ thuật (Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tập huấn một số nội dung về truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; kỹ năng chỉnh chiêng một cách có hệ thống, nhận diện các loại cồng chiêng, thang âm cồng chiêng, nguyên lý của việc chỉnh âm, thực hành kỹ thuật gò chỉnh cồng chiêng…
Tại buổi bế mạc, các học viên đã trình diễn 3 bài nhạc chiêng của người Gia Rai: "Mừng lúa mới", “Chàng trai dũng cảm”, “Tiếng chim pơ rơ tốch gọi em” trên 3 bộ cồng chiêng khác nhau để kiểm chứng kết quả sau quá trình được học và truyền đạt kỹ năng, kiến thức về chỉnh chiêng.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trao Giấy chứng nhận cho 23 học viên, tặng Giấy khen 3 học viên xuất sắc trong quá trình tham gia lớp tập huấn. Ngoài ra, Ban Tổ chức tặng mỗi học viên 1 bộ dụng cụ chỉnh chiêng.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 20 nghệ nhân trẻ người Ba Na đến từ các huyện Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, Chư Sê, Mang Yang, Chư Păh và thị xã An Khê.