Ghi nhận tại thủ phủ hồ tiêu huyện Chư Sê, trên gương mặt của người dân nơi đây vẫn hiện hữu nỗi buồn. Ông Nguyễn Thủy, trú tại thị trấn Chư Sê bộc bạch: "Giờ giá tiêu có tăng đến 200.000 đồng thì cũng không còn hạt nào mà bán. Vụ mùa vừa rồi, gia đình tôi thu được chục tấn nhưng vì không có tiền đã bán hết, bán hồi giá chỉ có 52.000 đồng/kg ấy".
"Chúng tôi cũng muốn để dành tiêu lại chờ giá cao, nhưng không có tiền trả lãi (nợ ngân hàng 2 tỷ đồng) nên đành phải bán thôi. Chi phí để sản xuất, thuê nhân công chăm sóc, thu hái thì hồ tiêu phải 65.000 -70.000 đồng/kg, thì mới có thể thu lại vốn và lãi ít. Giá tiêu tăng đến 60.000 đồng/kg vẫn không ăn thua, chứ huống gì giờ mới 55.000 đồng/kg", ông Thủy buồn rầu nói.
Được biết, diện tích hồ tiêu tại huyện Chư Sê hiện nay khoảng 3.900 ha, trong đó tiêu kinh doanh là 2.500 ha, trồng mới là 380ha.
Hiện, các xã Ia Blang, Ia Hlốp, Chư Pơng, Bờ Ngoong, là những xã đang có diện tích tiêu lớn nhất huyện. Và huyện Chư Sê cũng là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất Gia Lai sau đợt dịch bệnh, khiến nhiều vườn hồ tiêu chết trắng.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê cho biết: "Hai năm trở lại đây, tại huyện Chư Sê đã không còn tình trạng tiêu chết nhanh, chết chậm nữa. Chỉ còn một số bệnh nấm trên lá. Vụ mùa vừa qua, hồ tiêu của nông dân Chư Sê đạt năng suất 7 tấn/ha, còn vụ mùa năm nay, thì chưa thu hoạch nên chưa biết được.
"Hiện, hồ tiêu đã không còn bệnh chết nhanh, chết chậm chỉ còn một số loại nấm. Xác định hồ tiêu cũng là một trong những loại cây chủ lực của huyện nên Phòng NN&PTNT luôn tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn về việc chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ. Phòng cũng đã khuyến cáo, người dân cần ưu tiên bón phân chuồng, giảm thiểu tối đa lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho cây", ông Hợp cho biết thêm.
(Bài viết thuộc Chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)