Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực lai cải tạo đàn bò

PV - 16:35, 22/09/2021

Huyện Đak Pơ (Gia Lai) nâng tỷ lệ bò lai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua việc triển khai nhiều dự án lai cải tạo đàn bò gắn với đổi mới phương thức, tập quán chăn nuôi.

Anh Đinh Trê (làng Bút, xã An Thành) bên con bò giống được thụ hưởng từ Dự án
Anh Đinh Trê (làng Bút, xã An Thành) bên con bò giống được thụ hưởng từ Dự án

Trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Đak Pơ đã triển khai Dự án hỗ trợ bò đực giống nhảy trực tiếp lai cải tạo đàn bò vùng DTTS trên địa bàn 5 xã: An Thành, Yang Bắc, Ya Hội, Phú An và Hà Tam. Dự án có kinh phí thực hiện 665 triệu đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện. Theo đó, 18 hộ tham gia Dự án được cung cấp giống bò lai Zebu và giống cỏ voi VA06.

Khi tham gia Dự án, anh Đinh Plich (làng Hway, xã Hà Tam) đã xây dựng chuồng trại theo quy định, được tập huấn về phương pháp chăn nuôi. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành nghiệm thu và bàn giao bò đực giống. “Con bò đực giống của nhà tôi to nhất ở làng này. Trước khi nhận nuôi, tôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò giống sao cho mập khỏe, có khả năng phối giống tốt. Sau gần 4 năm nhận nuôi, nhiều bò cái của các hộ trong làng được phối giống đẻ ra bê lai rất đẹp”, anh Plich cho biết.

Lúc mới tham gia Dự án, anh Đinh Trê (làng Bút, xã An Thành) rất lo lắng vì không có kinh nghiệm, cách thức chăn nuôi bò giống. Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, anh đã đầu tư làm chuồng trại để nhận chăm sóc bò giống. Qua một thời gian, anh cho bò phối với giống bò địa phương cho ra đời 50 con bê. Hiện anh Đinh Trê chính thức thụ hưởng con bò giống đang nuôi và được thu tiền phối giống.

“Chăn nuôi bò giống rất khác với bò cỏ địa phương. Gia đình tôi trồng thêm cỏ voi để có nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, tôi còn học cách ghi nhật ký phối giống để theo dõi, biết bổ sung các thức ăn tinh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để bò khỏe mạnh, cho chất lượng phối giống tốt hơn”, anh Đinh Trê chia sẻ.

Anh Đinh Plich (làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) chăm sóc con bò giống được thụ hưởng từ Dự án
Anh Đinh Plich (làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) chăm sóc con bò giống được thụ hưởng từ Dự án

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Dự án hỗ trợ bò đực giống nhảy trực tiếp lai cải tạo đàn bò vùng DTTS trên địa bàn huyện Đak Pơ đã nghiệm thu và bàn giao lại bò giống cho 18 hộ tham gia ban đầu. Cũng từ Dự án này, toàn huyện có hơn 900 con bê lai giống Zebu ra đời, góp phần mang hiệu quả tích cực trong việc cải tạo đàn bò tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thao, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: “Qua khảo sát thực tế hoạt động chăn nuôi bò trong vùng đồng bào DTTS, chúng tôi xác định rằng thực hiện lai tạo giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo rất khó. Do đó, chúng tôi chọn thực hiện Dự án bằng việc cấp bò đực giống nhảy trực tiếp để lai tạo với đàn bò ở địa phương. Đến nay, kết quả thực hiện của Dự án rất khả quan trong việc nâng cao chất lượng đàn bò, các nông hộ tham gia đã được thụ hưởng bò giống, có thêm thu nhập từ việc lai phối”.

Hiện tại, đàn bò của huyện Đak Pơ đã lên đến 15.900 con, tỷ lệ bò lai chiếm 85,5%. Đặc biệt, tại các xã như Yang Bắc, Ya Hội, An Thành, tỷ lệ bò lai tăng dần qua các năm. Đánh giá về hoạt động chăn nuôi và chất lượng đàn bò hiện nay, ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ghi nhận: “Đak Pơ là địa phương giàu kinh nghiệm chăn nuôi bò lai và phong trào nuôi bò lai rất phát triển; nhiều giống bò chất lượng cao như Zebu, Angus, Droughmaster, Charolais được đưa vào lai tạo góp phần nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Bò lai trưởng thành có trọng lượng vượt trội, hàm lượng thịt cao, giá bán cũng cao gần gấp đôi bò cỏ giống địa phương”.

Theo ông Hiệp, đây là hướng đi đúng giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu giống bò, phát triển bò lai theo hướng nâng cao giá trị, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lai đạt 89%; đồng thời, hỗ trợ người dân trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.