Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ghi từ chuyến tham quan của Đoàn Người có uy tín

Mùi Len - 10:48, 12/07/2023

Những chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm giúp đội ngũ Người có uy tín được giao lưu, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả để học tập kinh nghiệm, trở về quê hương áp dụng tốt hơn vào đời sống thực tiễn, làm tốt hơn công tác dân vận.

Mô hình nuôi cá của Người có uy tín ỏ xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá của Người có uy tín ở xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Thực hiện Kế hoạch số 732/KH-UBND ngày 8/3/2023 của UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La về tổ chức Hội nghị tập huấn và học tập kinh nghiệm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Mộc Châu năm 2023, mới đây, Phòng Dân tộc huyện Mộc Châu đã tổ chức Đoàn đại biểu Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm đợt 3 ở một số tỉnh miền Trung.

Phấn khởi, hồ hởi hiện rõ trên nét mặt từng đại biểu Người có uy tín đến từ các bản mường xa xôi của đồng bào Mường, Thái, Mông, Dao. Chuyến xe đưa Đoàn chạy bon bon theo Quốc lộ 6 đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình đi thẳng vào miền Trung theo lịch trình đến các điểm đã định trước. Dọc đường đi, qua cửa kính, các đại biểu đã thỏa sức chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh, rừng trồng trùng điệp, những làng quê trù phú thanh bình hay những đô thị nhà cao tầng, xe cộ và người qua lại như mắc cửi... Các đại biểu lần đầu tiên được trải nghiệm tắm biển ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Cửa Lò (Nghệ An); được ăn, ngủ ở nơi sang trọng và thưởng thức các món ăn đặc sản mang đặc trưng vùng miền...

Tiếp đến, Đoàn còn đi tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như thăm Làng Sen quê Bác, khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; thăm Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - nơi 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đi đến đâu, Đoàn cũng được nghe các hướng dẫn viên, thuyết minh về lịch sử của mỗi điểm di tích. Các đại biểu bùi ngùi xúc động dâng hương tưởng nhớ công lao bậc sinh thành ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng Liệt sĩ tại các địa chỉ đỏ...

Đoàn đại biểu Người có uy tín tham quan quê Bác tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Đoàn đại biểu Người có uy tín thăm quê Bác tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An)

Trong chuyến tham quan lần này, Đoàn Người có uy tín còn đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế, cụ thể như: Mô hình “Trang trại hoa gắn với du lịch trải nghiệm”; “Sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGap”; Chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; mô hình “Trồng nhãn chín muộn” tại phường Bắc Sơn; “Trồng thanh long ruột đỏ” tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Anh Tráng A Lâu (dân tộc Mông), Trưởng ban Công tác Mặt trận, Người có uy tín trẻ của bản Pha Nhên, xã biên giới Lóng Sập chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được đi tham quan ngoài tỉnh, được biết thêm nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng. Chuyến đi này, Đoàn Người có uy tín được đến thăm quê hương Bác Hồ, đến Ngã Ba Đồng Lộc, xúc động lắm. Được đi tham quan, học tập, tìm hiểu các mô hình kinh tế, khi trở về, mình sẽ phổ biến, tuyên truyền để bà con mình học tập, làm theo”.

Qua trao đổi với ông Hà Văn Cường - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, được biết, huyện Mộc Châu có địa bàn rộng, một số xã, bản thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận với các thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện luôn phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là điểm tựa tinh thần trong khu dân cư; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua, phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Những Người có uy tín thực sự là nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu, phát huy truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp, củng cố khối Đại đoàn kết các dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tự giác chấp hành và tham gia các hoạt động của cộng đồng.

Người uy tín trên địa bàn huyện Mộc Châu nhận quả do Ban Dân tộc tỉnh tặng.
Người uy tín trên địa bàn huyện Mộc Châu nhận quà do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La trao tặng

Đối với Phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, với vai trò là cơ quan thường trực, cũng đã làm tốt chức năng tham mưu với UBND huyện và Ban Dân tộc tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phòng Dân tộc huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tổ chức đưa Người có uy tín đi học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi và đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các địa chỉ trong và ngoài địa bàn tỉnh… Cùng với đó là theo dõi, giám sát việc triển khai việc cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển, Bản tin Dân tộc và Miền núi và Báo Sơn La theo định kỳ.

Ngoài ra, Phòng Dân tộc cũng triển khai tốt chính sách tặng quà cho Người có uy tín trong các dịp Tết cổ truyền dân tộc và Tết của đồng bào Mông, thăm hỏi khi ốm đau, khi gặp hoàn cảnh khó khăn… Hàng năm, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu ở cấp huyện và lựa chọn, giới thiệu Người có uy tín tiêu biểu xuất sắc gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm biểu dương, khen thưởng, tôn vinh, động viên kịp thời...

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.