Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gặp vị đại biểu Quốc hội dân tộc Hà Nhì đầu tiên

PV - 17:26, 01/03/2018

Vào mùa hoa cúc quỳ nở, tháng 12/1947, ở bản Xi Nế, xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), một cậu bé người Hà Nhì ra đời trong niềm vui của gia đình, họ tộc.

Lúc ấy, Mù Cả xa ngái, còn bản Xi Nế thì hiếm người biết đến. Nhưng nay, Mù Cả đã gần hơn, bản Xi Nế đã có nhiều đổi khác, một phần có sự đóng góp của cậu bé sinh vào mùa hoa cúc quỳ-Lỳ Khai Phà, Đại biểu Quốc hội đầu tiên của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu.

7 tuổi đã tham gia công tác xã hội

Ở tuổi 72, sau 10 năm nghỉ hưu, ông Lỳ Khai Phà vẫn đủ sức khỏe để “tán” với tôi cả buổi chiều về Mù Cả, về bản Xi Nế những năm tháng gian khó và cả quãng đời làm “đại biểu nhân dân” của mình.

Xuân này, ông Lỳ Khai Phà bước sang tuổi 72 nhưng vẫn minh mẫn, hoạt bát. Xuân này, ông Lỳ Khai Phà bước sang tuổi 72 nhưng vẫn minh mẫn, hoạt bát.

 

Ông bảo, những năm tháng tuổi thơ của ông đầy khó nhọc. Nhớ nhất vẫn là những gian truân, vất vả của mẹ, bà Lỳ Lóng Mư. Mẹ ông là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, do chồng mất sớm nên phải bươn chải một mình nuôi Phà từ lúc 4 tuổi và cậu em trai. Khi Lỳ Khai Phà lên 5 tuổi, mẹ ông lại thêm một lần đau đớn khi em trai của Phà cũng đi theo cha, nhà chỉ còn hai mẹ con lủi thủi sống trong ngôi nhà lá xập xệ, hiu quạnh ở bản Xi Nế.

Cuối năm 1953, tỉnh Lai Châu được giải phóng. Được sự giác ngộ của các chú bộ đội, bà Lỳ Lóng Mư tham gia công tác phụ nữ xã. Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được điều về làm công tác phụ nữ tại châu Mường Tè. Lúc đó Lỳ Khai Phà lên 7 tuổi nhưng đã theo giúp việc cho mẹ và được các chú trong cơ quan mẹ bố trí làm liên lạc, coi ngựa.

“Vì còn nhỏ nên tôi chỉ được giao việc nhận và chuyển công văn trong phạm vi các cơ quan của châu, đồng thời chăm sóc và chuẩn bị ngựa cho các chú đi công tác.

Nhiều hôm trời mưa rét, tôi vẫn lội qua suối để lùa đàn ngựa về chuồng, ốm đau cũng không nghỉ. Chính vì những cố gắng đó mà tôi được các chú bộ đội thưởng cho một chiếc áo len do Cộng hòa Dân chủ Đức lúc bấy giờ viện trợ, rất đẹp”, ông Lỳ Khai Phà bồi hồi nhớ lại.

Năm 1958, nhận thấy sự nhanh nhẹn, hoạt bát của cậu bé Lỳ Khai Phà, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan quyết định cho cậu đi học. Ngày ấy, châu Mường Tè chưa có trường, các chú bộ đội phải đưa Phà đi bộ 3 ngày ròng rã ra huyện Mường Lay (tỉnh Lai Châu cũ) để nhập học tại Trường Ký túc xá (nay là Trường Dân tộc nội trú tỉnh).

Xuống đến trường, Lỳ Khai Phà liên tục “khóc nhè” khiến các thầy cô phải dỗ dành mãi mới chịu nín. Dần dần Phà cũng quen. Học cấp 3 ở Trường Ký túc xá ở Mường Lay, Lỳ Khai Phà được gửi xuống học tại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên. Đến năm 1972, sau khi ra trường, ông được cử về công tác tại Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Lai Châu.

Từ nhà giáo đến nghị trường

Nhớ lại quãng thời gian công tác từ năm 1972, Lỳ Khai Phà bảo, con đường sự nghiệp của ông cũng có thể coi là “xuôi chèo mát mái”. Làm giáo viên, rồi làm quản lý ở Trường Cao đẳng sư phạm Lai Châu, sau đó đảm nhiệm Phó Giám đốc Sở Giáo dục, rồi làm Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh, tiếp đến là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh từ khóa V đến khóa XI... Tất cả các vị trí công tác đã kinh qua đều in đậm trong trí nhớ của ông.

Đặc biệt, quãng thời gian ông là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Năm 1997, khi đang làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Lai Châu, ông Lỳ Khai Phà được giới thiệu, bầu và trúng cử, trở thành ĐBQH khóa X người Hà Nhì đầu tiên của Lai Châu. Trong thời gian là ĐBQH, ông còn được giữ các trọng trách: Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, Chủ tịch HĐND và cuối cùng là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Với cương vị đại diện cho tiếng nói của cử tri Lai Châu, ông Lỳ Khai Phà đã có nhiều đóng góp, góp phần làm thay đổi đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chính vì vậy, mà trong một dịp tiếp xúc cử tri tại xã Dào San, mặc cho khí hậu thời tiết rét căm căm, nhiều bà con trong các bản vẫn kéo nhau ra tận xã để cảm ơn đại biểu Lỳ Khai Phà đã giúp bà con hiện thực hóa giấc mơ có trường, có đường, có chợ…; tình cảm bà con dành cho ông ngày hôm đó, đến nay khiến ông vẫn còn xúc động.

Đối với bản Xi Nế, xã Mù Cả, nơi chôn rau cắt rốn của ông, đại biểu Lỳ Khai Phà đã tạ ơn quê hương bằng những việc làm thiết thực, như đề đạt, kiến nghị ý kiến cử tri với tỉnh phương án xây dựng công trình thủy lợi để bà con Hà Nhì trồng lúa nước. Sau một thời gian thi công, công trình thủy lợi hoàn thành đã đưa nước về, người dân bản Xi Nế khai hoang được thêm gần 100ha ruộng nước, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài.

Giờ không còn là ĐBQH nữa, nhưng ông Lỳ Khai Phà vẫn đau đáu tâm tư, nguyện vọng của một cử tri để phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Ông bảo, đồng bào các dân tộc là những con người thật thà chất phác nhưng điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Do đó, cần hơn nữa những chính sách để đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào vùng khó để nhân dân các dân tộc vùng cao biên giới có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đồng bào các dân tộc là những con người thật thà chất phác nhưng điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Do đó, cần hơn nữa những chính sách để đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào vùng khó để nhân dân các dân tộc vùng cao biên giới có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ông Lỳ Khai Phà

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.