Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gặp những phụ nữ làm nghề vác keo

Quỳnh Chi - 17:07, 13/05/2021

Không công việc ổn định, để có thu nhập nuôi sống gia đình, những người phụ nữ nghèo đã chấp nhận công việc bốc vác keo thời vụ nặng nhọc và nhiều rủi ro rình rập...

Dù vất vả nhưng những nữ phu keo chỉ mong có công việc đều đặn, để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Dù vất vả nhưng những người phụ nữ này vẫn mong có công việc đều đặn, để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Hơn một tháng trôi qua, người dân xã Trí Năng, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) không thể quên được vụ tai nạn  kinh hoàng xảy ra vào ngày 22/3/2021.  Sau khi công việc bốc keo hoàn tất vào lúc 20h, những người bốc keo ở xã Trí Nang đã cùng nhau leo lên cabin của chiếc xe tải chở keo trở về. Không ai có thể ngờ được, đây cũng chính là đêm định mệnh  của mình. Chiếc xe nặng nề di chuyển xuống dốc Bả Vai, bất ngờ mất lái đâm vào núi. Vụ tai nạn khiến 7 người trên xe thiệt mạng, trong đó có 5 nạn nhân làm nghề vác keo thuê sinh sống ở địa phương; 4/5 nạn nhân đó là phụ nữ.

Hơn một tháng sau vụ tai nạn thương tâm ấy, chúng tôi có dịp trở lại Trí Nang. Người dân đã trở lại với nhịp sống mưu sinh bình thường.  Dù biết vất vả, dù hầu hết họ còn chưa hết bàng hoàng từ vụ tai nạn thương tâm, nhưng những người phụ nữ nghèo ở Trí Nang vẫn phải tiếp tục với công việc bốc keo, bởi đây là công việc mang lại thu nhập để nuôi sống gia đình.

Để đến được chỗ những người phụ nữ bóc vỏ keo và vận chuyển keo ra khỏi rừng, rồi bốc lên xe tải, chúng tôi phải băng qua một con suối nhỏ, đi qua 2 con dốc cao. Giữa cái nắng của những ngày chuẩn bị bước vào mùa hạ, chúng tôi chứng kiến tốp phu keo có 6 người, trong đó có 5 người là nữ, họ đang bốc những khúc gỗ keo to ngang thân người lên xe "tăng bo" xuống đường lớn, chất lên xe tải chở tới các cơ sở sản xuất trên địa bàn. 

Tranh thủ lúc giải lao để uống nước lại sức, chị Hà Thị Hương (SN 1975) cho biết, các chị đều sinh sống ở bản Hắc, xã Trí Nang. Để đến được chỗ làm việc này, các chị phải đi cách nhà 10 cây số mỗi ngày. 

Hầu hết các chị trong nhóm đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Người thì chồng đau ốm, người chồng mất, có người thì chồng không chịu khó làm ăn… Để có tiền nuôi con cái ăn học nên các chị chấp nhận làm công việc nặng nhọc này.

Cánh rừng keo nơi nhóm các chị khai thác rộng khoảng 3ha. Mỗi ngày 6 người bốc được từ 8 đến 10 tấn keo lên xe cơ giới để vận chuyển ra tới đường, thu nhập bình quân của mỗi chị khoảng 200 nghìn đồng/ngày. 

“Không có nhiều đất ruộng để canh tác. Làm nông không đủ ăn nên số tiền công lao động này đối với chúng tôi cũng khá rồi. Ở đây, nếu không làm keo, chúng tôi chẳng có gì để làm kiếm ra tiền”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, làm nghề bốc keo không chỉ nặng nhọc, mà rủi ro tai nạn luôn rình rập, bởi địa hình đồi núi cao, nguy cơ bị keo đổ vào người hay ngã trong lúc vác những khúc keo lớn rất dễ xảy ra. Biết vậy, nhưng các chị không còn lựa chọn khác để có thu nhập tốt hơn.

Tốp "phu keo" có 6 người nhưng đã có tới 4 người phụ nữ.
Tốp "phu keo" có 6 người nhưng đã có tới 4 người phụ nữ.

Chị Huấn, một người trong tốp cùng với chị Hương chia sẻ, các chị ở gần nhà nhau nên rủ nhau đi làm. Từ ngày xảy ra vụ tai nạn, các chị không dám ngồi cùng xe tải đi làm nữa. Hàng ngày, các chị chở nhau đi làm bằng xe máy, chia nhau tiền xăng. 

"Vì đi cả ngày nên mỗi người đều gói theo cơm ăn trưa. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi tìm bóng cây để ngả lưng chờ đến giờ chiều làm tiếp. Chỉ mong ông trời thương cho khỏe mạnh để làm việc”, chị Huấn tâm sự.

Chị Huấn bộc bạch, giá như địa phương có nhiều công ty, nhà máy như ở đồng bằng, thì các chị sẽ tìm được công việc phù hợp hơn mà vẫn có thu nhập. Nhưng đây là huyện miền núi nghèo, ước mơ ấy vẫn còn xa vời lắm

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết, phần lớn người dân sinh sống tại địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đồi núi xen kẽ nên đất sản xuất ít; nhiều hộ thiếu kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nên tranh thủ lên rừng làm nghề bốc vác keo tràm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tiếp xúc, trò chuyện với các chị, điều chúng tôi nghe được là, dù công việc vất vả, rủi ro  nhưng các chị chưa bao giờ cảm thấy chán nản, hay lo sợ. Các chị còn khoe, người dân miền núi trồng keo rất nhiều. Nếu vắng những người phu keo như các chị, thì việc khai thác của bà con lại thêm phần khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Phát huy vai trò của thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới

Phát huy vai trò của thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới

Trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong hai ngày 24, 25/9, tại Tp. Thái Nguyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tổ chức Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới, với chủ đề "Thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển".