Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gập ghềnh như... bất động sản

PV - 15:10, 08/07/2022

Sau một thời gian sốt mạnh, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đang có dấu hiệu chững lại, hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sôi động nửa đầu năm

Diễn biến của thị trường bất động sản (BĐS) sơ cấp tại TP. HCM và vùng phụ cận cho thấy có sự tăng trưởng mạnh về cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ ở hầu hết các phân khúc. Với thị trường thứ cấp, mặt bằng giá tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thanh khoản thứ cấp sụt giảm.

Riêng đối với loại hình BĐS nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng. Cụ thể, phân khúc đất nền trong 6 tháng đầu năm 2022 đón nhận khoảng 30 dự án với nguồn cung khoảng 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 3.863 nền, xấp xỉ 79% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở thị trường Long An và Bình Dương khi chiếm 74% nguồn cung mới. Riêng tại TP. HCM, thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.

Ở phân khúc căn hộ trong 6 tháng ghi nhận nguồn cung mới tăng mạnh với 38 dự án mở bán (khoảng 16.803 căn), tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 84% nguồn cung mới, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thị trường TP. HCM duy trì vị trí dẫn đầu khi chiếm 75,6% nguồn cung và 79,3% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Nguồn cung tập trung chủ yếu tại khu Đông, phân khúc hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường, chiếm 58,7% tổng nguồn cung mở bán trong kỳ.

Đối với nguồn cung nhà phố, biệt thự tại TP. HCM và các tỉnh giáp ranh có sự sụt giảm và phân bổ không đồng đều. Trong 6 tháng qua, thị trường đón nhận 3.142 căn nhà phố, biệt thự đến từ 29 dự án, bằng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 64% tương đương 2.007 căn, bằng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới có xu hướng dịch chuyển về khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Long An…Giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thiết lập mặt bằng giá mới.

Ngoài ra, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận diễn biến sôi động và tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các loại hình nhờ những thông tin phục hồi tích cực của hoạt động du lịch. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2022 đón nhận 26 dự án mở bán với hơn 2.700 căn, tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt mức khá cao, tương đương 75%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xu hướng giảm

Về thị trường 6 tháng cuối năm 2022, dự báo nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền không có nhiều đột biến và tiếp tục duy trì ổn định như giai đoạn đầu năm. Nguồn cung tập trung tại các dự án đã mở bán trước đó và phân bổ ở thị trường giáp ranh TP HCM như Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền cũng được dự báo duy trì mức ổn định trong giai đoạn cuối năm.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS nhận định rằng, thị trường vẫn tồn tại nhiều thách thức như: lạm phát, khan hiếm nguồn cung mới, siết chặt tín dụng BĐS...

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, giá đất tăng mạnh trong giai đoạn kinh tế suy giảm do dịch Covid-19 (2020-2021) có nguyên nhân khách quan là một số vùng được nhà nước triển khai hạ tầng, nguồn vốn ngân hàng thương mại có lãi suất khá rẻ được đổ vào thị trường, nguồn cung mới bị hạn chế. Ngoài ra, còn có nguyên nhân mang yếu tố tâm lý chủ quan là các nhà đầu tư tin tưởng giá đất tiếp tục tăng như các năm trước, có tâm lý e ngại đồng tiền sẽ mất giá do lạm phát nên chuyển hướng đầu tư vào BĐS.

Ở khía cạnh khác, ông Hiển cũng cho rằng, giá bán sơ cấp tăng sẽ mang đến lợi ích cho cả chủ đầu tư và khách hàng. Theo đó, khách hàng được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ tài chính mà chủ đầu tư áp dụng như ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi suất, giãn tiến độ thanh toán. Đồng thời, các dự án cũng được nâng cao chất lượng bàn giao với tiện ích nội khu và tiêu chuẩn dịch vụ tương xứng hơn... điều này vừa gia tăng giá trị tài sản của khách hàng, vừa góp phần nâng tầm thương hiệu BĐS của chủ đầu tư.

Trái ngược với giá sơ cấp, giá bán thứ cấp ghi nhận sự sụt giảm cục bộ một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, mang tính đầu cơ. Vì vậy, lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

“Khi phải chịu áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán BĐS với mức giá thấp hơn kỳ vọng hoặc bán lỗ để thu hồi vốn. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến giá BĐS có thể không tăng hoặc giảm” - ông Hiển phân tích.

Ngoài ra, tình trạng “sốt đất ảo” đẩy giá bán BĐS tăng - giảm biên độ lớn ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng... cũng làm giá BĐS ở các khu vực này giảm mạnh, thị trường gần như mất thanh khoản sau khi cơn “sốt đất” đi qua./.

Đề cập đến giải pháp ổn định thị trường, ông Võ Hồng Thắng- Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, để kiểm soát tốt độ tăng giá BĐS trên thị trường sơ cấp, cũng như duy trì giá bán thứ cấp ở mức độ ổn định là chú trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức phù hợp. Tích cực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để rút ngắn thời gian cấp phép các dự án, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cung. Bên cạnh đó, tăng cường sự quản lý của các cơ quan Nhà nước, minh bạch hóa thông tin quy hoạch, thông tin thị trường nhằm hạn chế xảy ra tình trạng “sốt đất ảo”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.