Xu hướng mới
Food Tour là loại hình nhằm tìm kiếm và thụ hưởng sự độc đáo và đáng nhớ từ những trải nghiệm về đồ ăn và thức uống. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, có tới hơn 80% số đơn vị, tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định, du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Hải Phòng là địa phương tiên phong trên cả nước cho ra mắt bản đồ món ngon mang tên "Hải phòng - lòng vòng ẩm thực". Bản đồ được thiết kế hiện đại, mỗi nhóm món ăn được xếp theo chủ đề: Quà sáng, món ăn trưa, món ăn cho bữa xế, quà mang về nhà… Đi kèm với đó, là các cửa hàng, địa chỉ, thời gian phục vụ giúp du khách dễ lựa chọn hàng quán theo khẩu vị, khu vực. Những quán ăn được lựa chọn giới thiệu với du khách đáp ứng tiêu chí: Thơm ngon, được người địa phương công nhận và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ sự quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, và phát miễn phí tại các nhà ga và bến xe, giúp du khách có những trải nghiệm ăn uống trọn vẹn nhất khi đặt chân tới thành phố hoa phượng đỏ này. Bản đồ món ngon Hải Phòng có thể xem là một thành công rất 4.0 về quảng bá, xúc tiến du lịch cho thành phố.
Bạn Nguyễn Vũ Hồng Mai (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ với 2 tiếng rưỡi di chuyển bằng tàu hoả, mình đã có thể đặt chân đến Hải Phòng. Trải nghiệm Food Tour Hải Phòng mình mới thật sự có ấn tượng mạnh mẽ với thành phố này. Qua mỗi món ăn, mình hiểu thêm về con người, văn hoá nơi đây. Mình rất háo hức trải nghiệm các Food Tour ở các thành phố du lịch khác của Việt Nam sắp tới. Cá nhân mình cũng đánh giá cao cách Hải Phòng xây dựng, phát triển cũng như làm truyền thông cho loại hình du lịch mới này”.
Bên cạnh việc thưởng thức và trải nghiệm vị giác khác lạ của các món ăn, qua Food Tour, du khách còn được khám phá những nét văn hóa bản địa của con người, cỏ cây và thiên nhiên tại điểm đến, làm phong phú hơn trải nghiệm du lịch của chuyến đi.
Theo Tiến sỹ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Đối với du lịch, ẩm thực Việt Nam vừa được sử dụng như một sản phẩm du lịch, nhưng cũng được sử dụng như một công cụ để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tổ chức, khai thác các tour du lịch ẩm thực (Foodtour) từ việc đi trải nghiệm món ăn đường phố, món ăn dân dã, truyền thống đến trải nghiệm tại lớp dạy nấu ăn hay nhà hàng sang trọng, đẳng cấp.
Đừng chỉ dừng ở mô hình điểm
Về cơ bản, ta có thể hiểu, nếu tour du lịch thông thường là đi thăm quan các địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp, thì Food tour sẽ là đi thăm các địa điểm ẩm thực ngon, đặc sắc. Do yêu cầu du khách ăn và ăn liên tục nên thông thường food tour sẽ được diễn ra trong từng khu vực địa lý. Theo đó, khu vực địa lý càng lớn, thì thời gian diễn ra food tour càng dài. Food tour ngắn nhất có thể chỉ diễn ra trong vài giờ, dài hơi hơn thì là trong vài ngày đến vài tuần.
Chúng ta đã có không ít món ngon được vinh danh thế giới như phở bò, bánh mì thịt, bánh cam, bánh bột lọc… và vẫn cần sự quảng bá nhiều hơn, phát triển theo chiến lược dài hơi.
Suy nghĩ ẩm thực chỉ đóng vai trò phụ trợ hay dịch vụ kèm theo, đã trở nên lạc hậu trong thời đại 4.0 ngày nay. Trên thực tế, nếu như những thành phố lớn phát triển ẩm thực đường phố, thì vùng DTTS đang sở hữu một kho báu về ẩm thực độc đáo mang đậm văn hoá từng vùng miền.
Đến Hà Giang không thể bỏ qua thắng cố, Lạng Sơn có khau nhục, pa pỉnh tộp ở Sơn La, Lai Châu, thịt trâu gác bếp Điện Biên,…. Vùng cao đang thay da đổi thịt từng ngày, loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, giúp giới thiệu văn hóa DTTS đến du khách. Trong chuỗi phát triển liên hoàn đó, văn hóa ẩm thực của đồng bào được xem như gạch nối giúp du khách dễ dàng nhận diện miền sơn cước, đưa họ tới gần văn hoá của cộng đồng dân tộc ấy.
Sở hữu "kho tàng" ẩm thực độc đáo như vậy, nhưng trên thực tế, thì tại vùng đồng bào DTTS hiện nay, ẩm thực vẫn chưa thể “đứng riêng” khỏi chuỗi hoạt động du lịch của du khách như các địa phương khác. Nguyên nhân khách quan của việc này, có thể kể đến, đó là do khoảng cách địa lý, giao thông tại miền núi, vùng DTTS khá xa, chưa thuận tiện di chuyển. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như quản lý an toàn thực phẩm, giá cả nhất là văn hóa ẩm thực...
Đặc biệt, các địa phương, các cộng đồng dân tộc hiện cũng chưa có chiến lược phát triển, quảng bá ẩm thực một cách rõ ràng. Làm sao để Food Tour không còn là chuyện của một vài địa phương, mà là việc của các nhà quản lý cùng các đơn vị làm du lịch tới mỗi người dân là cả một câu chuyện dài và cần một kế hoạch toàn diện với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên ngành.
Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho biết, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch ẩm thực để quảng bá du lịch ẩm thực, và sử dụng hình ảnh ẩm thực để quảng bá chung cho du lịch Việt Nam. "Việc xây dựng cơ sở dữ liệu có thể triển khai thông qua hình ảnh, video clip giới thiệu các món ăn, chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực trên truyền hình, thông tin, tư liệu, công thức chế biến món ăn, hướng dẫn về trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam..." ông Nam để xuất.