Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar lại có mặt tại Điểm giao dịch ở xã, thị trấn, để làm công tác được giao. Hằng tháng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar tổ chức 16 buổi giao dịch tại 16 xã, thị trấn. Tại đây, cán bộ Phòng Giao dịch cùng với các tổ chức chính trị xã, phường phổ biến, tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ.
Bà H Wiên Niê (SN 1979, buôn Mhăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar), cho biết, ngày 11/10 vừa qua, bà đã đến Điểm giao dịch của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar tại xã Cư Huê, để làm thủ tục giải ngân khoản vay 50 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện giao dịch, bà H Wiên đã được cán bộ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar phổ biến về lãi vay, thời hạn vay, quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn...
Theo đó, gia đình bà được vay vốn theo Chương trình “Cho vay hộ mới thoát nghèo”, thời hạn vay 5 năm, lãi suất chỉ ở mức 8,25%/năm, trả lãi theo tháng, tiền gốc trả theo phân kỳ 6 tháng/lần. Các thủ tục tại Điểm giao dịch được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng với sự hỗ trợ tận tình của nhân viên.
Trước đó, ngày 25/9/2024, ông Nịnh Văn Nhậy ở thôn 22, xã Cư Bông, huyện Ea Kar cũng đã đến Điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar tại xã Cư Bông, để đóng tiền lãi cho khoản vay 50 triệu đồng, vay theo Chương trình “Cho vay hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn”.
Ông Nhậy chia sẻ: "Điểm giao dịch lưu động xã Cư Bông ở ngay trung tâm xã, lịch giao dịch được ấn định cụ thể, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đã giúp gia đình ông và các hộ dân khác tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các giao dịch, như: Giải ngân vốn, trả lãi, trả nợ gốc, gửi tiết kiệm... Bên cạnh đó, trên các bảng thông báo, thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi đều được trình bày rõ ràng, chi tiết, rất thuận tiện cho người dân trong việc kiểm tra, giám sát".
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar Phạm Văn Ánh cho biết, trước mỗi phiên giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, các tổ giao dịch ở mỗi xã đều tiến hành họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm, để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch, bảo đảm quyền lợi cho người vay. Nhờ đó, chất lượng hoạt động tín dụng tại các Điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar ngày càng được nâng cao.
Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 660,145 tỷ đồng (tăng 51,097 tỷ đồng so với đầu năm). Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar đã giải ngân 169,097 tỷ đồng cho 3.613 lượt hộ vay vốn tại các điểm giao dịch ở xã, thị trấn (chiếm tỷ lệ 99,62% tổng giải ngân của huyện); số tiền thu nợ là 126,224 tỷ đồng.
Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn. Đồng thời, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, nhân viên đơn vị, từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát người vay về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương tích cực thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar ông Phạm Văn Ánh cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện 18 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn (trong đó 13 chương trình đang thực hiện cho vay và 5 chương trình đã dừng cho vay), với tổng dư nợ 660,145 tỷ đồng với 14.331 hộ dân đang được vay vốn. Điểm giao dịch về tận cơ sở xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận được chính sách ưu đãi và giảm chi phí. Dù ngày nắng, ngày mưa, ngày nghỉ hay ngày lễ, nơi nào có hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách thì nơi đó có “dấu chân” của những cán bộ NHCSXH.
Tại 16/16 xã, thị trấn đã tổ chức 16 Điểm giao dịch, phiên giao dịch xã được tổ chức vào ngày cố định hằng tháng, ít nhất 1 lần/tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật), thực hiện các giao dịch giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu chi tiết kiệm… nhận hồ sơ về nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ xử lý nợ và các hồ sơ liên quan khác; tiếp nhận và xử lý thông tin góp ý, phản hồi của khách hàng; giao dịch với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức họp giao ban với các đơn vị nhận ủy thác cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn; đối chiếu trực tiếp với khách hàng đến giao dịch về số dư tiền vay, lãi tồn, số dư tiền gửi; niêm yết công khai danh sách hộ vay vốn, các văn bản mới về chính sách, chế độ; giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ vay, chính sách tín dụng của Nhà nước và thủ tục, quy trình nghiệp vụ của NHCSXH, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar Phạm Văn Ánh, cho biết thêm.