Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu: Cần công khai, minh bạch

Thúy Hồng - 15:57, 16/03/2023

Bình ổn giá xăng dầu luôn là vấn đề nóng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm, Quốc hội bàn thảo. Do vậy, việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu được đề xuất phải công khai, minh bạch, sớm có lộ trình để đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường

Theo Bộ Công thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật
Theo Bộ Công thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật

Quỹ bình ổn - công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước

Thời gian qua, để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất nhiều phương án quy định đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất không nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công thương đã đề xuất 3 phương án đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Một trong ba phương án được Bộ này đưa ra là, tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

"Do Quỹ bình ổn giá, là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá, sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu", dự thảo của Bộ Công Thương nêu.

Góp ý vào dự án Dự thảo Luật Giá sửa đổi tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/3, đã có nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì: Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

"Cần phải có đánh giá riêng để xử lý các vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu xem công khai, minh bạch ra sao để bảo đảm hoạt động đúng"

Ông Vũ Hồng ThanhChủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cần giữ quy định về quỹ trong luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm tổ chức thực hiện với các trường hợp cần thiết phát sinh.

Theo ông Cường, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước; khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.

Cần công khai, minh bạch Quỹ bình ổn xăng dầu

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, thì còn có một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ, bởi đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ...

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng muốn duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu thì cần công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu thì cần công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, tại phiên giải trình vừa qua, đánh giá về hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều đại biểu cho rằng chưa bảo đảm đúng mục đích sinh ra Quỹ là để thu vào khi giá xuống, chi ra khi giá tăng cao để giữ sự điều chỉnh không tăng quá nhanh, ảnh hưởng đến mặt hàng khác. Ông Thanh đưa dẫn chứng cụ thể vào ngày 21/6/2022 khi giá cao đỉnh điểm nhưng không có sự tác động gì của Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo giá xuống.

Ông Thanh nêu quan điểm, nếu giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì cần phải khắc phục những khiếm khuyết tồn tại của việc điều hành Quỹ thời gian vừa qua và cần có đánh giá tác động riêng về vấn đề này. "Cần phải có đánh giá riêng để xử lý các vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu xem công khai, minh bạch ra sao để bảo đảm hoạt động đúng", ông Thanh nêu.

Theo đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để tiếp tục duy trì, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Từ thực trạng thị trường xăng dầu thời gian qua cho thấy, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên để Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hoạt động hiệu quả, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng Quỹ; đồng thời nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi có biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.