Câu chuyện lắng dần khi nhà trường, thầy cô nhận lỗi rồi lại tiếp tục nóng lên khi xuất hiện một Clip trích xuất từ một Camera gần trường được cho là, phụ huynh này dàn dựng sự việc để cố tình đưa lên mạng xã hội. Tới nay, chị M. cũng thừa nhận việc làm của mình là nóng vội, đã gây hiểu lầm trên mạng xã hội.
Thay vì đưa ra giải pháp, chúng ta thường truy vấn nguyên nhân, đẩy câu chuyện đi quá xa trong thời đại công nghệ mà chỉ chưa đầy một phút có thể viết một dòng bình luận gây tổn thương người khác. Tất nhiên, ai cũng có lý lẽ của mình, thế nên mới xuất hiện những đám đông “gân cổ” thể hiện trên mạng xã hội, phán xét, đổ lỗi cho bên này, bên kia.
Thế nhưng, chúng ta dường như không hề nghĩ việc rành rõ đúng sai ở đây để làm gì? Để thể hiện hiểu biết, bởi thật sự quan tâm hay chỉ đơn giản là theo phong trào? Bởi vì, không nhiều người quan tâm đến nhân vật chính trong câu chuyện - cháu bé. 15 phút của người mẹ, của nhà trường, hàng giờ tranh luận, cãi vã trên mạng xã hội liệu bao nhiêu người nghĩ đến việc giúp đỡ cháu bé?
Nhìn lại, đứa trẻ mới vào lớp 1, mới chính là người bị tổn thương nhất trong những môi trường lẽ ra được thương yêu nhất là gia đình và trường học. Mọi người sẽ sớm quên đi một bức ảnh, một Clip, nhưng vết xước đầu đời trong tâm hồn đứa trẻ thì thật khó để xóa đi. Vậy đúng sai ở đây có nghĩa lý gì?
Đây là một chuyện nhỏ của một đứa trẻ, nhưng nó lại không hề nhỏ đối với người lớn!