“Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy làn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”, ông Châu chia sẻ. Gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô xy đã hết và ô xy cũng không còn. Cứ 40 giây lại có một người chết vì Covid- 19
Mới đây, Báo Tuổi Trẻ có đăng tải bức thư ông Châu gửi cho anh “Nhân” - kỹ sư người Việt đang giúp xây dựng trụ sở Đại sứ quán (ĐSQ), người mắc Covid-19 và đang trong tình trạng nguy kịch đã tạo nên một làn sóng chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội. Trong thư có đoạn viết:
“Nhân ơi, xin em đừng chết!
…Sau 5 ngày nhiễm bệnh em vẫn sốt rất cao, ngủ li bì và nhiều lúc không tỉnh đến mức anh Hải phải gọi điện bảo: "Đại sứ ơi, anh Nhân sốt cao 39 độ liên tục, nồng độ ôxy dưới 90%, có hiện tượng bội nhiễm phải đưa gấp vào viện thôi". Nhưng vào viện nào bây giờ? Cả ĐSQ ai có đầu mối nào đều lần lượt gọi điện, tìm mọi cách để có giường cho em, nhưng vô vọng.
Đại sứ đã cố gắng tìm cách tiêm vắc xin COVID-19 cho các em, nhưng chưa kịp triển khai thì các em đã ốm, mà ốm rất nặng dù đều còn trẻ và rất khỏe, hằng ngày vẫn chạy đá bóng rất nhanh. Hình như vi rút chủng mới B.1.617 của Ấn Độ tấn công rất nhanh và tàn phá rất mạnh kể cả những người trẻ tuổi, một sự khác biệt lớn so với đợt dịch lần đầu.
…Khi em nằm bất tỉnh, công việc chính của Đại sứ lúc này là thảo và gửi những bức thư chia buồn cho bạn bè vì người thân của họ đã mất trong 24 giờ qua.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác xít cũng có người con trai lớn vừa chết vì COVID-19. Ngay cả cựu Thủ tướng Momanhat Singh cũng đã bị nhiễm virus Corona dù ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Và biết bao cuộc gọi điện hỏi thăm, chia buồn khác nữa.
Nhân ơi, với tư cách là một Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, tôi ra lệnh cho em không được chết vì dự án của chúng ta vẫn còn dang dở. Ngôi nhà Việt thật đẹp giữa thủ đô New Delhi đang đợi chúng ta hoàn tất. Hơn bao giờ hết ĐSQ cần có em.
Đại sứ tin em nhất định sẽ chiến thắng và trở về trong sự chờ đợi của gia đình em, trong tình thương yêu của toàn bộ anh chị em trong ĐSQ và của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Ấn Độ”…
Những chia sẻ của ông đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Đồng cảm, thương xót cho đồng bào xa xứ là những bình luận phổ biến, tuy nhiên cũng có rất nhiều người lên tiếng bất bình về đợt dịch lần này của Ấn Độ. Họ cho rằng tâm lý chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh của chính phủ Ấn Độ khi cho phép người dân tham gia các sự kiện đông người trong khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát chính là nguyên nhân dẫn đến “thảm hoạ” lần này.
Chỉ gần một tháng trước thôi, truyền thông thế giới đã xôn xao về sự kiện hơn một triệu tín đồ Hindu “ngụp lặn” tại sông Hằng trong lễ hội tôn giáo Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand với niềm tin bất diệt rằng, dòng nước thiêng sẽ giúp gột rửa mọi tội lỗi và cứu rỗi linh hồn. Kể cả những trận đấu cricket (bóng gậy) với hàng chục nghìn khán giả lấp đầy các sân vận động được phép diễn ra và rạp chiếu phim vẫn hoạt động hết công suất.
Và rồi vào những ngày cuối tháng tư, một màu xám ảm đạm bao trùm lên đất nước Ấn Độ. Mỗi ngày đều có hơn 300.000 ca mắc mới Covid-19, tiếng còi xe cứu thương là âm thanh quen thuộc nhất trên đường phố, các bệnh viện chật kín, nhiều người không thể nhập viện dù đang trong tình trạng nguy kịch, bình ô xy trở thành món hàng xa xỉ, các nhà hoả thiêu giờ cũng thiếu chỗ, đành phải biến các bãi đất trống thành lò thiêu ngoài trời. Tình cảnh ở ngay cả thủ đô New Delhi cũng rất thảm thương, với các bãi hỏa táng đã quá tải, nghi ngút khói từ hoạt động hỏa thiêu tập thể. Người ta đã phải đốt nhiều tấn củi nhưng các thi thể vẫn được ùn ùn vận chuyển tới các khu vực này.
Diễn biến dịch bệnh tại Ấn Độ thời gian tới chắc chắn sẽ còn rất phức tạp. Người dân nước này sẽ phải tự bảo vệ mình và Chính phủ Ấn Độ cần khẩn trương đưa ra các thông điệp nhất quán về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nếu không, New Delhi sẽ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng.
Khu vực Đông Nam Á hiện nay cũng đang nóng lên khi số ca ghi nhận tại các nước Lào, Thái Lan, Campuchia tăng lên đáng kể. Theo báo Khmer Times, Campuchia ghi nhận thêm 580 ca nhiễm ngày 26/4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 10.555. Cùng ngày, Cơ quan Chuyên trách Quốc gia về Phòng chống và Kiểm soát Covid-19 của Lào thông báo ghi nhận thêm 113 ca nhiễm nCoV, gồm 31 ca ở thủ đô Viêng Chăn, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 436 và chưa có ca nào tử vong. Còn tại Thái Lan ghi nhận 2.839 ca nhiễm mới và 8 trường hợp tử vong.
Ở Việt Nam, tính đến ngày 26/4 ghi nhận thêm 6 ca mắc mới và đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào TP. Hồ Chí Minh (2 người), Bà Rịa – Vũng Tàu (1 người) và Hà Nội (3 người). Sau 70 ngày, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên thời điểm cuối tháng 4 với kỳ nghỉ lễ dài bốn ngày, dự đoán nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Mối lo này là có cơ sở, bởi tính đến nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp, đặc biệt hai nước láng giềng là Lào và Campuchia đang có những ổ dịch với những ca lây nhiễm mới được phát hiện mỗi ngày. Nguy cơ người vượt biên, nhập cảnh trái phép và sự lây nhiễm là hiện hữu.
Mới đây, tổ công tác Trạm cửa khẩu Đồn biên phòng quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với Trạm cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện một gia đình gồm 8 người di chuyển đến đường biên giới sông Tiền để nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam. Tổ công tác đã kịp thời ngăn chặn, đưa nhóm người trên quay về Campuchia tiếp tục làm ăn sinh sống, không quay lại Việt Nam.
Trong khi chính quyền đang tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nỗ lực triển khai công việc mỗi ngày để bảo vệ người dân, thì chúng ta cũng cần chủ động, tự giác bảo vệ mình một cách nghiêm túc. Hạn chế tụ tập đông người, trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng nghi nhập cảnh trái phép, khai báo y tế đầy đủ khi ho, sốt cũng là góp phần vào việc chống dịch.
Ta hãy lấy đợt dịch lần này của Ấn Độ làm bài học sâu sắc cho chính mình. Đừng để sự chủ quan, lơ là tạo thành thảm hoạ. Vì chỉ cần một ca nhiễm lọt vào cộng đồng thôi cũng sẽ gây ra hậu quả khôn lường!