Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đừng để sầu riêng thành nỗi "sầu chung"

S.Vy - H.Diễm - 16:25, 16/03/2023

Thời gian gần đây, giá sầu riêng liên tục tăng cao, nhiều nông dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng loại cây này. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, diện tích trồng sầu riêng tăng cao sẽ mất kiểm soát vùng trồng, phá vỡ thế cân bằng và sẽ xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro.

Hiện tại, sầu riêng được cho là trúng mùa được giá. Tuy nhiên, diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng rất thấp, chưa tới 10% nên khó có đầu ra ở thị trường lớn
Hiện tại, sầu riêng được cho là trúng mùa được giá. Tuy nhiên, diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng rất thấp, chưa tới 10% nên khó có đầu ra ở thị trường lớn

Cảnh báo về phát triển 'nóng" cây sầu riêng

Vừa qua, TP. Cần Thơ là một trong những địa phương trong khu vực ĐBSCL bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo về phát triển "nóng" cây sầu riêng. Năm 2015, diện tích trồng sầu riêng của thành phố chỉ hơn 500 ha, đến nay đã tăng lên gần 2.500 ha, tập trung tại các huyện Phong Điền, Thới Lai và Ô Môn. Dù có diện tích trồng khá lớn, nhưng hiện thành phố chỉ có 33 hồ sơ mã vùng trồng, với diện tích khoảng 700 ha. 

Tại xã Nhơn Ái, địa phương với cây trồng chủ lực là sầu riêng, hiện bà con đang rất phấn khởi với niềm vui được mùa được giá. Nhưng niềm vui cũng đi kèm với nỗi lo, khi những loại cây chủ lực trước đây như, dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn ido lần lượt bị đốn hạ để trồng sầu riêng.

Ông Trần Văn Bảy, một nông dân trồng sầu riêng ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho biết, lúc đầu ông trồng vú sữa, nhãn nhưng lợi nhuận kinh tế không cao, thời gian gần đây thấy sầu riêng được giá nên gia đình quyết định chuyển 10 công đất vườn sang trồng sầu riêng.

Mặc dù chi phí khá cao nhưng thu hoạch đồng loạt, thương lái đến tận vườn cắt không phải thuê thêm nhân công. “Tôi không quá lo lắng vì không phải ai trồng cũng trúng mùa với lại nếu không bán cho thương lái thì tôi chở lên TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ”, ông Bảy cho hay.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ thông tin, bao năm qua thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng là xuất tươi sang Trung Quốc, nhưng đây là thị trường có yếu tố rủi ro rất lớn. Để phát triển bền vững đối với cây sầu riêng, ngoài việc khuyến cáo người dân, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho bảo quản, chế biến sầu để đa dạng sản phẩm; mở rộng thêm thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc.

Cũng như TP. Cần Thơ, gần đây, giá bán sầu riêng ở mức cao, mang lại lợi nhuận hấp dẫn nên nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng. Cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha.

Anh Trần Thanh Dũng ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười trồng 200 cây sầu riêng trên diện tích 1 ha. Sau hơn 4 năm trồng, anh Dũng xử lý, cho 120 cây mang trái vụ đầu tiên, đã thu hoạch gần 11 tấn quả, có giá bán 120.000 đồng/kg, mang về trên 1,2 tỷ đồng.

Theo anh Dũng, nhận thấy giá trị kinh tế cao nhiều bà con ở vùng này đã chuyển từ đất lúa sang trồng sầu riêng nhưng loại cây này không phải “dễ ăn”. Để đạt kết quả tốt như thế, anh đã trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả.thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 4 - 5 năm, trung bình mỗi cây tốn khoảng 3,5 triệu đồng. Để “lấy ngắn nuôi dài”, nhiều nhà vườn trồng xen canh sầu riêng với một số loại cây nhanh thu hoạch như mít, ổi, đu đủ…

Nhiều yếu tố rủi ro

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhiều người dân ở Đồng Tháp đang đầu tư trồng sầu riêng vì có giá bán cao, thu lãi nhiều. Tuy nhiên, diện tích trồng sầu riêng hiện nay của cả nước là khoảng 80.000 ha, sản lượng có nguy cơ vượt nhu cầu. Sầu riêng của Việt Nam cũng đang có nhiều nước cạnh tranh, nhất là Thái Lan, Malaysia, Philippines nên việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không giữ được chất lượng.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo, nông dân cần cân nhắc kỹ khi chuyển sang trồng sầu riêng. Vì ở khu vực có đất đai, khí hậu phù hợp, cây sầu riêng mới phát triển và cho năng suất tốt.

Ngoài ra, chi phí trồng sầu riêng rất cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha nên nhà vườn cần có vốn “mạnh”. Cùng với đó, sầu riêng là loại cây “khó tính”, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa…

Ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành trong việc quản lý chặt chẽ nguồn giống sầu riêng. Trước tình hình nhiều người trồng sầu riêng nên nguồn giống có nguy cơ không đạt chất lượng. Đồng thời, quan tâm quản lý vùng trồng sầu riêng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của địa phương, tránh việc phát triển tràn lan, trồng ngoài quy hoạch.

Diên tích trồng sầu riêng không ngừng tăng, ngành chức năng lo ngại cung vượt cầu
Diện tích trồng sầu riêng không ngừng tăng, ngành chức năng lo ngại cung vượt cầu

Dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế, Ts. Trần Hữu Hiệp cho rằng, việc đầu tư cho cây sầu riêng đòi hỏi vốn cao, trình độ kỹ thuật và đặc biệt là thời gian để cho ra trái thu hoạch lần đầu kéo dài. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó, mà không đầu tư theo chiều sâu thì nông dân rất mạo hiểm.

Cần phải nói thêm, tính trong toàn khu vực ĐBSCL diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng rất thấp (chưa tới 10%), điều này đòi hỏi các nhà vườn phải tính toán ngay ở giai đoạn đầu tư và phải có được chứng nhận về xuất xứ. Những mảnh vườn sầu riêng không có mã số vùng trồng. Những cơ sở chế biến, đóng gói kể cả sơ chế mà không được cấp giấy chứng nhận, rất khó có thể xâm nhập các thị trường kể cả thị trường Trung Quốc hay các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản.

“Để sầu riêng vùng ĐBSCL không phải là nỗi sầu chung, loại cây này cần được tính toán kỹ về cung cầu, làm sao bảo đảm sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời”, Ts. Trần Hữu Hiệp cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.